Báo Công An Đà Nẵng

Nạn phá rừng ngày càng tinh vi

Thứ ba, 02/12/2014 07:58

(Cadn.com.vn) - Sáng 1-12, tại Đà Nẵng, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức tổng kết công tác quản lý, bảo vệ rừng năm 2014 và sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị về tăng cường chấn chỉnh hoạt động của lực lượng Kiểm lâm. Một thông tin đáng chú ý được đưa ra tại hội nghị này là việc xuất hiện và tái xuất hiện các “điểm nóng” về phá rừng có chiều hướng gia tăng, trong khi số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng được đưa ra xét xử chỉ đạt 5%. 

Gia tăng nạn phá rừng trái phép

Theo số liệu thống kê từ các địa phương, từ đầu năm đến hết tháng 10-2014, cả nước đã phát hiện 1.894 vụ phá rừng trái phép với khoảng 601ha, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2013. Rừng bị phá trái phép diễn ra chủ yếu ở khu vực rừng phòng hộ và rừng sản xuất, đặc biệt là các dự án được phép chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển giao từ các lâm trường quốc doanh, các Cty Lâm nghiệp để địa phương quản lý.

Điển hình như tỉnh Đắc Nông có 124,5ha rừng bị phá, tỉnh Đắc Lắc có 83ha, Lâm Đồng 80ha, Sơn La 53ha, Bình Định 46ha… Đại diện một số địa phương cho rằng, mục đích chủ yếu của hành vi phá rừng trái phép để lấy đất sản xuất, phục vụ nhu cầu sinh sống của hộ gia đình, khai thác khoáng sản và tận thu gỗ, lâm sản có giá trị cao. Theo lực lượng Kiểm lâm, ngoài người dân các địa phương, những người di cư tự do, thiếu đất sản xuất thì một tỷ lệ lớn đối tượng là các đầu nậu đứng sau thuê hoặc thu mua gỗ của người dân.

Qua việc thống kê từ các vụ phá rừng nổi cộm, cơ quan chuyên môn cho rằng, hình thức và thủ đoạn của lâm tặc ngày càng tinh vi như hầu hết được thực hiện vào ban đêm, cắt cử người cảnh giới, sử dụng “cưa giảm thanh”. Khi bị phát hiện, lâm tặc sẽ tìm mọi cách để trốn vào rừng sâu, kể cả việc hành hung những người thi hành công vụ. Trong năm qua, cả nước đã xảy ra 22 vụ nghiêm trọng khiến 7 cán bộ của lực lượng Kiểm lâm bị thương tích nặng nề. Đại diện cơ quan kiểm lâm các địa phương cho rằng những kết quả đã đạt được trong bảo vệ và phát triển rừng dù có sự chuyển biến nhưng chưa toàn diện, thiếu tính vững chắc. Nạn phá rừng vẫn diễn ra ở mức cao và có chiều hướng xuất hiện, tái xuất hiện các điểm nóng.

Đến thời điểm này, số vụ phá rừng trái phép trên cả nước tăng 3% so với năm 2013.
(Trong ảnh: Một trong nhiều lô gỗ do lâm tặc khai thác được cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ tại khu vực rừng giáp ranh giữa Đà Nẵng và Quảng Nam).

Kiểm lâm còn tiếp tay cho lâm tặc

Trong báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị về tăng cường chấn chỉnh hoạt động của lực lượng Kiểm lâm, lý giải một trong những nguyên nhân khiến nạn phá rừng vẫn còn phức tạp, Cục Kiểm lâm cho rằng, một bộ phận những người thực thi nhiệm vụ vẫn còn vi phạm quy trình công tác, buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, thậm chí còn tiêu cực tiếp tay cho các đối tượng phá rừng.

Để xảy ra tình trạng này là do công tác kiểm tra, giám sát ở nhiều đơn vị, địa phương chưa thực sự được coi trọng. Thậm chí có một số nơi, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 3714/CT-BNN vẫn không có chương trình kiểm tra, giám sát nên việc tự đấu tranh phát hiện tiêu cực trong nội bộ ít hiệu quả. Hầu hết các vụ tham nhũng, tiêu cực được phát hiện đều do báo chí thông tin và các cơ quan điều tra thực hiện. Không những thế, việc xử lý các sai phạm được thực hiện rất chậm, chưa thực sự nghiêm minh, thiếu tính răn đe, gây bức xúc trong dư luận. Theo báo cáo, trong tổng số 716 trường hợp công chức, viên chức kiểm lâm vi phạm tác phong và quy trình công tác trong khi thi hành công vụ thì chỉ có 16 trường hợp bị xử lý hình sự, 19 trường hợp buộc thôi việc, còn lại chủ yếu là nhắc nhở (255 trường hợp), khiển trách (235 trường hợp).

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, vẫn còn nhiều điểm nóng về nạn phá rừng làm bức xúc dư luận, đặc biệt vấn đề khởi tố các vụ án phá rừng có dấu hiệu hình sự vẫn chưa thực hiện triệt để. Dù có sự phối hợp giữa các bộ ngành, đặc biệt giữa kiểm lâm và công an, tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, lực lượng Kiểm lâm cần phải được tăng cường, nâng cao nghiệp vụ điều tra, tố tụng hình sự. Nhà nước phải tạo thể chế, tránh hành chính hóa tội phạm phá rừng.

Công Khanh