Nắng ấm biên cương... (Kỳ 1: Vững vàng nơi phên dậu)
Gần 4 tháng trôi qua nhưng với chúng tôi, những kỷ niệm trong chuyến công tác tại các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là khi được đến với các chiến sĩ bộ đội biên phòng (BĐBP) tại các đồn, chốt nơi biên cương xa xôi của tỉnh Gia Lai vẫn còn đọng lại nhiều cảm xúc sâu lắng. Tình cảm của người dân thôn bản, cuộc sống bình yên nơi đây và những bước chân người lính quân hàm xanh ngày đêm canh giữ vững biên cương của Tổ quốc…là những kỷ niệm thật khó phai.
CBCS Đồn biên phòng Ia O gặp gỡ dân bản. |
Điểm sáng Ia O
Cuối tháng 5, Tây Nguyên nắng vàng như rót mật, đẹp tựa bức tranh phong cảnh với phông nền là bạt ngàn cà phê, cao su xanh mướt tít tắp tận chân trời. Theo xe của Bộ chỉ huy (BCH) BĐBP tỉnh Gia Lai, chúng tôi ngược rừng lên với xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai, nơi những chiến sỹ BĐBP Đồn Ia O đang chờ. Hơn 2 giờ đồng hồ tận hưởng cảm giác phấn chấn, xen lẫn với niềm vui khó tả khi lần đầu tiên được đặt chân lên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ, chúng tôi cũng đến được với Đồn biên phòng Ia O. Sau những cái tay bắt mặt mừng như những người thân lâu ngày gặp lại, Đại úy Lê Minh Hải, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Ia O xởi lởi kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống, sinh hoạt, công tác của CBCS BĐBP nơi địa đầu Tổ quốc. Hải quê ở H. Hương Sơn (Hà Tĩnh), trước khi chuyển lên Đồn Ia O cách đây 6 tháng, anh công tác tại Đồn 723 (xã Ia Nan). Mặc dù phải xa gia đình, vợ con nhưng anh bảo, vì nhiệm vụ nên không nề hà hay đắn đo, suy nghĩ. Cũng như Hải, hầu như CBCS ở đây đều cùng cảnh ngộ, nhưng tất cả đều một lòng vì nhiệm vụ thiêng liêng được giao.
Xã Ia O là địa bàn giáp biên nhưng dân ở đây hầu hết là người Kinh và người dân tộc Jrai (khoảng 1.300 nhân khẩu). Đại úy Hải cho rằng đó vừa là lợi thế, lại vừa là khó khăn đòi hỏi các chiến sĩ biên phòng cần nỗ lực không ngừng trong công tác, nhất là khi Đồn Ia O được giao quản lý khoảng 5,5 km đường biên dọc theo sông Sê San tiếp giáp với Vương quốc Campuchia. Đây là tuyến biên giới trọng yếu, là nơi các đối tượng thường lợi dụng hoạt động vượt biên, xâm nhập trái phép... Theo Đại úy Hải, thời gian qua, để đấu tranh có hiệu quả với hoạt động vượt biên trái phép, ngoài việc triển khai các chỉ đạo, kế hoạch của BCH BĐBP tỉnh, Đồn đã chủ động tăng cường các đội nghiệp vụ tích cực bám, nắm địa bàn, đảm bảo nắm chắc thông tin về tình hình nội - ngoại biên để bố trí các chốt chặn túc trực 24/24 giờ trên các hướng, các điểm trọng yếu. Thường xuyên phối hợp, hiệp đồng, trao đổi thông tin với các Đồn Biên phòng tiếp giáp, lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia và các lực lượng đóng quân trên địa bàn xã Ia O để kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý các vụ việc người vượt biên, xâm nhập trái phép trên tuyến biên giới. Đơn vị cũng đã phối hợp với xã Ia O nâng cao chất lượng hoạt động CAX, dân quân tự vệ; xây dựng, củng cố hoạt động của các tổ tự quản. Đơn vị cũng đặc biệt coi trọng công tác phát động quần chúng vùng biên tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Bên cạnh đó, Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia O thường xuyên bám làng, bám dân, lồng ghép vào các hoạt động họp làng, lễ hội... để tuyên truyền cho nhân dân về phương thức, thủ đoạn và cách nhận biết âm mưu của các đối tượng câu móc tìm đường vượt biên sang Campuchia. "Nhờ đề cao các mặt công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại; công tác đối ngoại biên phòng; đối ngoại chính quyền và công tác đối ngoại nhân dân, công tác dân vận..., thời gian qua, Đồn Ia O đã thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, duy trì sự ổn định ANCT, TTATXH trên khu vực biên giới", Đại úy Hải cho biết. Ngoài nhiệm vụ trọng tâm là đảm bảo chủ quyền, an ninh biên giới, nhiều năm qua, Đồn biên phòng Ia O còn làm tốt công tác giúp dân phát triển kinh tế, vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời Đồn được xem là điểm sáng về thực hiện chương trình "Nâng bước em đến trường". Đồn đang nhận đỡ đầu 7 học sinh hoàn cảnh khó khăn, giúp các em yên tâm đến trường.
Chương trình "Bếp ăn tình thương" của BĐBP tỉnh Gia Lai giúp rất nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn yên tâm đến trường. |
"Lá chắn thép" Ia Chía
Rời Đồn biên phòng Ia O, chúng tôi luồn sâu theo đường công vụ đến với Đồn Ia Chía. So với các đồn biên phòng trên tuyến biên giới tỉnh Gia Lai, có lẽ Đồn biên phòng Ia Chía (H. Ia Grai) là nơi khó khăn nhất cả về cơ sở vật chất lẫn giao thông đi lại. Nói về vấn đề này, Trung tá Ngôn Ngọc Cương, Đồn trưởng Đồn Ia Chía cho biết, vào mùa mưa, Đồn gần như bị cô lập do nước suối Ia Mun dâng cao, chảy xiết. Khó khăn với người lính biên phòng Ia Chía không chỉ dừng lại ở chuyện đi lại hay tăng gia sản xuất mà còn trong mỗi chuyến tuần tra, kiểm soát khi đơn vị được giao quản lý, bảo vệ hơn 7 km đường biên giới trên sông. Bên cạnh đó, do địa bàn rộng, một phần tiếp giáp với xã Ia Dưk (H. Đức Cơ, Gia Lai) và một phần giáp với xã Se San, huyện Ô Gia Đao, tỉnh Ratanakeri (Campuchia) nên công tác nắm tình hình, triển khai các mặt công tác nghiệp vụ cũng vô cùng khó khăn. "Cũng vì những khó khăn này mà từ năm 2015 về trước, việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia hoạt động truyền đạo trái phép, vượt biên giới trên địa bàn khá phức tạp, nhưng đến nay, do làm tốt công tác quản lý địa bàn, tích cực tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, đặc biệt là CBCS biên phòng thực hiện "3 cùng" với nhân dân nên tình hình đã được giải quyết dứt điểm, ANTT được đảm bảo", Trung tá Cương nói. Mặc dù vậy đơn vị vẫn luôn quán triệt cho CBCS không được lơ là, mất cảnh giác, luôn tăng cường tuần tra, kiểm soát không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ.
Một trong những nhiệm vụ mà CBCS Đồn biên phòng Ia Chía luôn quan tâm thực hiện trên tinh thần tự nguyện là giúp đỡ các em học sinh hoàn cảnh khó khăn, bất kể đó là các em học sinh ở nội hay ngoại biên. Thượng úy Rơ Lan Thức, Đội trưởng vận động quần chúng Đồn Ia Chía cho biết, hiện Đồn đang nhận giúp đỡ 3 em học sinh, trong đó có 1 em ở xã Se San (Campuchia). Sin Thih (xã Se San) năm nay 16 tuổi, bố mất, mẹ làm nương rẫy, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn đã được Đồn Ia Chía nhận giúp đỡ 3 năm nay bằng cả vật chất (từ nguồn đóng góp của CBCS) và tinh thần. Ngoài việc hỗ trợ hàng tháng, vào các dịp lễ, tết và năm học mới, Đồn đều cử cán bộ sang tận gia đình thăm, tặng quà động viên em. "Chính nhờ những việc làm cụ thể, thiết thực này mà tình đoàn kết giữa chính quyền, nhân dân vùng giáp biên ngày càng bền chặt, vững vàng hơn. Công tác đảm bảo chủ quyền, an ninh biên giới vì thế cũng được nâng cao, tuyệt đối an toàn", Thượng úy Thức khẳng định.
Ghi chép: Doãn Hùng - Công Hạnh
Kỳ cuối: Vun đắp tình hữu nghị