Báo Công An Đà Nẵng

Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

Thứ sáu, 19/11/2021 20:35

Những năm gần đây, hoạt động sản xuất và kinh doanh các đặc sản ở H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã thu được nhiều thành quả to lớn, một trong những hướng ưu tiên để nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp là xây dựng, đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các loại nông sản.

Sản phẩm Kiệu hương Hòa Nhơn (H. Hòa Vang) được quảng bá tại các Hội chợ nông sản.

Với sự chung tay góp sức của các cấp chính quyền, các ban ngành chuyên môn, Hòa Vang hiện có các sản phẩm Bánh tráng Túy Loan (xã Hòa Phong), Kiệu hương Hòa Nhơn, Bưởi da xanh Hòa Ninh, Chè dây Hòa Bắc, Bánh khô mè Quang Châu (xã Hòa Châu) vừa được cấp giấy đăng ký nhãn hiệu và trao giấy chứng nhận của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Trong đó, 2 sản phẩm bánh tráng Túy Loan, Kiệu hương Hòa Nhơn đã tồn tại từ bao đời nay…

Theo bà Đặng Thị Túy Phong (80 tuổi, trú xã Hòa Phong), không ai nhớ chính xác làng nghề bánh tráng Túy Loan có từ bao giờ nhưng hồi bà còn nhỏ đã thấy ông bà, cha mẹ mình làm nghề này. Gạo đúc bánh tráng phải là gạo xiệc 13/2, gạo này nấu cơm tuy cứng, nhưng đúc bánh tráng rất ngon. Bà con nông dân ở đây, tranh thủ gieo sạ trong vụ đông - xuân, mỗi hộ vài sào, gần Tết mang ra làm bánh tráng, làm mì khô. Cứ 1 ang gạo là 12 lon mè trắng đã được bóc vỏ, phụ gia với các thứ như gừng, tỏi, đường, nước mắm hoặc muối. Mỗi cái bánh phải tráng làm 2 lớp và muốn bánh ngon, tuyệt đối không được phơi nắng mà phải sấy trên bếp than hồng... Các cơ sở sản xuất bánh tráng hoạt động theo hình thức hộ gia đình, quy mô nhỏ. Sản phẩm dày hơn các loại bánh tráng ở nơi khác và chất lượng của bánh được người tiêu dùng đánh giá cao.

Còn ở xã Hòa Nhơn, bà con nông dân các thôn Thạch Nham Tây, Thạch Nham Đông - nơi có truyền thống trồng kiệu hương hơn trăm năm qua cho biết, vùng đất này được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với cây kiệu, ngay cả trồng trong mùa mưa, kiệu vẫn rất ít bị nấm bệnh. Hộ trồng nhiều nhất là hơn 2 sào, ít nhất là 1 sào, năng suất bình quân đạt từ 300kg đến 400kg/sào. Các tư thương khi đến mua kiệu đều cho rằng, người tiêu dùng ở vùng nội thành rất ưa chuộng kiệu nơi đây, vì củ có màu tím nhạt khác lạ và chất lượng cay, nồng nên tạo ra một hương vị rất riêng.

Tuy nhiên, đôi lúc kiệu cũng trong cảnh "trồi sụt" thất thường cùng cảnh ngộ với nhiều mặt hàng nông sản khác, nhưng với người trồng kiệu vẫn luôn duy trì loại cây trồng này, từng bước tạo dựng "thương hiệu" Kiệu hương Hòa Nhơn lan tỏa thêm xa. Năm 2019, địa phương đã xúc tiến thành lập Tổ hợp tác Kiệu hương Hòa Nhơn. Tổ hợp tác ra đời là cơ sở để bà con yên tâm sản xuất nhằm xây dựng, khôi phục lại nghề trồng kiệu hương truyền thống cho địa phương. Việc xây dựng tổ hợp tác đã giúp bà con liên kết, hỗ trợ sản xuất, đồng thời giải quyết được lao động, nâng cao thu nhập cho người dân…

Có thể thấy, việc phát triển sản phẩm sau bảo hộ đã và đang trở thành vấn đề được quan tâm bởi những lợi ích thiết thực cũng như hiệu quả kinh tế mang lại. Trong đó, vấn đề đặt ra là sau khi được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cần đẩy mạnh hiệu quả công tác quản lý, tiếp tục đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất để phát triển giá trị sản phẩm. "Trong xu thế hội nhập kinh tế ngày nay, những yêu cầu về kiểm soát nguồn gốc, chất lượng và mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao. Vì thế, việc đăng ký bảo hộ cũng như phát triển nhãn hiệu đã được bảo hộ giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi sản phẩm khi cung ứng ra thị trường. Có được thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu còn khó hơn. Do vậy, việc bảo vệ phát triển các nhãn hiệu tập thể đã được đăng ký cần tiếp tục có sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và nhân dân địa phương", Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Trần Văn Thu kỳ vọng.

VY HẬU