Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống
Để thế hệ hôm nay hiểu sâu sắc về truyền thống vẻ vang của Quân đội và đơn vị, Lữ đoàn Phòng không 573 (Quân khu 5) luôn chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống. Những ngày này, hưởng ứng đợt thi đua cao điểm "Luyện quân, lập công, quyết thắng" lập thành tích chào mừng 48 năm Ngày truyền thống đơn vị (7-12-1972 - 7-12-2020), 76 ngăm Ngày thành lập Quân đội (22-12-1944 - 22-12-2020) và 31 năm Ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2020), cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Lữ đoàn nô nức tham quan phòng truyền thống, ôn lại những trang sử hào hùng.
Đại tá Trần Văn Hương- Chính ủy Lữ đoàn kể chuyện truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ. |
Xuyên suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, mỗi giai đoạn lịch sử đều được thể hiện bằng nhiều hiện vật, hình ảnh tiêu biểu, trong đó có nhiều tư liệu quý do các cựu chiến binh, lão thành cách mạng, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị qua các thời kỳ và nhân dân các địa phương sưu tầm, đóng góp. Ở vị trí trang trọng nhất là những phần thưởng, danh hiệu cao quý của Lữ đoàn được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 và cấp ủy, chính quyền các địa phương khen tặng. Theo Thiếu tá Phan Anh Vũ - Trợ lý Tuyên huấn Lữ đoàn, đằng sau mỗi hiện vật, mỗi hình ảnh đều chứa đựng những câu chuyện xúc động về tinh thần quả cảm, ý chí kiên cường, chiến công hiển hách. Tiêu biểu như Tiểu đoàn Pháo phòng không 3 trong chiến địch Xuân Hè 1975 đã mưu trí dũng cảm bắn rơi nhiều máy bay địch. Đồng chí Phạm Đức Nhân trên đường hành quân cùng đơn vị chiếm lĩnh trận địa, khi xe bị vướng mìn, bản thân đồng chí bị thương vẫn cố gắng cứu chữa các thương binh khác cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Đức trong lúc đi trinh sát địa hình đỉnh cao điểm 312, dù bị thương nặng vẫn quyết tâm xác định đúng tọa độ cho xe kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa đúng thời gian. Đại đội trưởng Khuất Duy Phán bình tĩnh xử lý tình huống quyết định phần tử chính xác cho Đại đội tiêu diệt mục tiêu ngay từ loạt đạn đầu. Pháo thủ Nguyễn Hữu Tuyên dũng cảm lấy thân mình che máy nạp đạn. Chiến sĩ Thông tin Trần Quốc Dân bình tĩnh nối đường dây, giữ vững mạch máu thông tin liên lạc thông suốt phục vụ chỉ huy chiến đấu v.v...
Tham dự các giờ học chính trị, có thể thấy, đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị các cấp của Lữ đoàn rất khéo léo lồng ghép nội dung bài giảng với bồi đắp truyền thống đơn vị, khơi dậy niềm tự hào cho bộ đội. Bằng chất giọng như "chứa lửa" và bài giảng được trình chiếu sinh động, Thượng úy Nguyễn Tiến Vĩ - Chính trị viên Đại đội 7 (Tiểu đoàn 3) khiến CBCS rất xúc động khi nói về tấm gương hy sinh của Anh hùng Nguyễn Viết Xuân với khẩu hiệu bất tử "Nhằm thẳng quân thù mà bắn". Câu nói ấy đã cổ vũ tinh thần cho biết bao nhiêu chiến sĩ ngoài chiến trường, sau này trở thành khẩu lệnh trong các lực lượng phòng không, không quân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trung sĩ Trần Thanh Lộc - Khẩu đội trưởng khẩu đội 4 Trung đội 2 chia sẻ: "Thế hệ chúng tôi không trải qua chiến tranh nhưng qua các bài giảng chính trị như thế này giúp chúng tôi thấu hiểu sâu sắc tinh thần dũng cảm, mưu trí, đầy sáng tạo và quả cảm của cha anh đi trước. Điều đó khiến chúng tôi càng cảm nhận niềm vinh dự, tự hào được viết tiếp trang sử vẻ vang của Lữ đoàn trong thời kỳ mới".
Nói về hiệu quả công tác giáo dục truyền thống, Đại tá Trần Văn Hương- Chính ủy Lữ đoàn cho biết: "Đơn vị tổ chức tốt hội thi "Báo cáo viên, cán bộ giảng dạy chính trị giỏi", phối hợp với Báo- Truyền hình Quân khu làm phim truyền thống, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, đẩy mạnh giao lưu văn nghệ, thể thao, tổ chức tốt ngày chính trị - văn hóa tinh thần, tạo điều kiện cho bộ đội tham quan các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn đóng quân. Phát huy vai trò xung kích, Đoàn Thanh niên triển khai sâu rộng mô hình "Trận địa thanh niên kiểu mẫu", đăng ký phần việc, công trình thanh niên làm theo lời Bác, tổ chức tọa đàm "Tuổi trẻ Lữ đoàn "nói không" với vi phạm pháp luật, kỷ luật", "Người lính Phòng không với nhiệm vụ canh trời", phối hợp với Thị đoàn An Nhơn (tỉnh Bình Định) làm đường lên khu di tích căn cứ cách mạng đầu tiên của LLVT An Nhơn tại An Trường, xã Nhơn Tân. Cán bộ, chiến sĩ còn tích cực tham gia hoạt động tình nguyện hè, xây dựng cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, chống rác thải nhựa, phòng chống, ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đẩy mạnh thi đua "Dân vận khéo", đền ơn đáp nghĩa đối tượng chính sách, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ...".
Lồng ghép giáo dục truyền thống trong chương trình giáo dục cơ bản, tổ chức nhiều hoạt động chính khóa, ngoại khóa phong phú, qua đó, nét đẹp truyền thống đã trở thành sức mạnh nội sinh, hành trang quý báu, lan tỏa và thấm sâu trong suy nghĩ, hành động của mỗi quân nhân, tạo động lực to lớn xây dựng Lữ đoàn Phòng không 573 Anh hùng ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ.
Đỗ Thị Ngọc Diệp