Báo Công An Đà Nẵng

KỲ HỌP THỨ 9, QUỐC HỘI KHÓA XIII:

Nâng cao hiệu quả của các cấp chính quyền

Thứ ba, 02/06/2015 08:53

(Cadn.com.vn) - Ngày 1-6, Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa tham gia thảo luận tại Hội trường.

Đại biểu đề xuất giảm đi 1/3 cấp phó

Về dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ, ĐB Lê Đình Khanh nêu quan điểm: Muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền, trước hết, phải có hệ thống pháp luật tốt. Mọi quy định trong Luật phải rõ ràng, minh bạch, hạn chế tối đa những quy định “mở” dễ vận dụng cách nào cũng đúng. Ngay cả các quy định đã đúng nhưng nếu trên làm không chuẩn thì “sai một ly đi một dặm” dẫn đến tình trạng “nhờn” pháp luật sẽ xảy ra ở nhiều nơi. Để góp phần tinh giản biên chế từ Trung ương đến địa phương, cần hạn chế số lượng cấp phó một cách tối đa (kể cả đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao). Đại biểu dẫn chứng tại một số nước, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng không có Thứ trưởng, chỉ có trợ lý. Một số nước khác có diện tích, dân số gấp 3-4 lần Việt Nam nhưng tổ chức bộ máy chỉ có Tổng thống và Phó Tổng thống điều hành nhưng vẫn làm rất tốt. Việc giảm đi 1/3 cấp phó so với quy định tại dự thảo Luật sẽ giúp bộ máy Nhà nước vận hành tốt hơn; năng lực trình độ của người đứng đầu có điều kiện thể hiện cao hơn, phát huy rõ hơn.

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Đại biểu Triệu Là Pham nêu quan điểm: Dự thảo Luật cần bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của người đứng đầu. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ phải là người chịu trách nhiệm cao nhất với tư cách người đứng đầu Chính phủ. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ là người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ theo quy định cụ thể của Hiến pháp. Đó là việc thực hiện bổn phận, nghĩa vụ trước Đảng, Quốc hội và nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền khẳng định: Chính phủ đã có Nghị định quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Với trách nhiệm là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm lãnh đạo Chính phủ hoàn thành cơ bản nhiệm vụ, trách nhiệm được Quốc hội giao; đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Bên cạnh đó, để phù hợp với quy định đối với Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp đề nghị ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn về quyền hạn, nhiệm vụ, đặc biệt là trách nhiệm của Chính phủ trong điều hành kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước...; trách nhiệm của Chính phủ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Nhiều đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ hơn về việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Chính phủ; đồng thời phát huy tốt quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhằm thực hiện nền hành chính dân chủ thuộc về nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.

3 loại ý kiến về mô hình của chính quyền địa phương

Chiều 1-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP). Tại phiên thảo luận, có 3 loại ý kiến về mô hình của CQĐP. Cụ thể: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay, cấp nào cũng đều có HĐND và UBND nhưng có sự điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bên trong của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính cho phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị. Loại ý kiến thứ hai đề nghị kế thừa kết quả thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội, quy định theo hướng ở huyện, quận, phường không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính để quản lý Nhà nước trên địa bàn.

Loại ý kiến thứ ba đề nghị cần có sự phân biệt giữa mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại địa bàn đô thị và tại địa bàn nông thôn để phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý tại từng địa bàn. Vì vậy, đề nghị quy định theo hướng các đơn vị hành chính như tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, thị trấn đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND). Riêng ở phường, do đặc điểm đô thị, không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chỉ tổ chức Ủy ban nhân dân để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.

Tăng đại biểu chuyên trách

Tham gia phát biểu ý kiến, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng: Mô hình tổ chức chính quyền địa phương lần này hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp mới, được đa số đại biểu Quốc hội kỳ vọng, những người có tâm huyết làm việc tại Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp trông đợi và cũng là nguyện vọng chính đáng của nhân dân cả nước. Việc xác định mô hình tổ chức CQĐP lần này là “cơ hội vàng” để tiếp tục khẳng định, củng cố, tăng cường quyền làm chủ của nhân dân; thể hiện sâu sắc, rõ nét bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Về số lượng đại biểu chuyên trách, ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng đây là nguyên nhân đầu tiên, có tính quyết định hiệu quả hoạt động của HĐND. Thời gian qua, đại biểu HĐND kiêm nhiệm quá nhiều, nhất là kiêm nhiệm bên khối chính quyền, dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, nên hoạt động còn mang tính hình thức, chưa đem lại kết quả như mong đợi. Theo tinh thần sửa đổi lần này, Luật Tổ chức CQĐP điều chỉnh theo hướng tăng số lượng đại biểu chuyên trách. Nhưng trong dự thảo Luật, số lượng đại biểu HĐND chuyên trách không thay đổi, và dường như ban soạn thảo né tránh vấn đề này. Theo ĐB thì dự thảo Luật trước đây quy định cụ thể tỷ lệ đại biểu chuyên trách tại mỗi cấp; nhưng nay khoản 3 Điều 18 quy định Trưởng các Ban “có thể” hoạt động chuyên trách.

Theo ĐB Huỳnh Nghĩa, hiện nay mỗi cử tri ở nước ta có 4 cấp đại biểu dân cử từ  xã, phường đến Quốc hội đại diện cho mình. Nhưng xem ra quyền lợi của cử tri, đặc biệt các nguyện vọng chính đáng, bức xúc của họ vẫn chưa được phản ánh kịp thời và đầy đủ. Việc thực hiện quyền làm chủ còn nặng tính hình thức. Tình trạng người dân có những việc oan trái đâu đó vẫn còn xảy ra. Do đó, bên cạnh việc thông qua luật này, ĐB đề nghị cần sớm thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND, tạo cơ chế giới thiệu người ra ứng cử thật sự dân chủ, chọn lựa người có đức, có tài, có tâm, có tầm vào cơ quan dân cử để đại biểu gần dân một cách thực chất và hiệu quả, và số lượng đại biểu chuyên trách là một trong những nội dung quan trọng nhất để thực hiện yêu cầu đó.

Lê Hoàng Sa - Phạm Hữu Hoa – TTXVN

Tỷ lệ nữ giới chưa tương xứng

Góp ý dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum), góp ý: “Tôi thấy rằng một nền hành chính dân chủ hiện đại phục vụ nhân dân là cần thiết, nhưng nền hành chính đó cần đảm bảo thống nhất từ Trung ương tới cơ sở, không có sự cắt rời hay cát cứ địa phương, do vậy tôi đề nghị bổ sung tính thống nhất của nền hành chính vào nguyên tắc này. Đó là công khai hóa, hiện đại hóa hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan hành chính Nhà nước, các cấp của Chính phủ đảm bảo thực hiện một nền hành chính dân chủ, thống nhất hiện đại phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân”.

ĐB Bùi Thị An (TP Hà Nội) lại băn khoăn: tôi xin đọc lại tinh thần Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về vấn đề công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước quy định các cơ quan, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, của Nhà nước, của Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình giới, phấn đấu đến 2015 đạt 80%, 2020 đạt 95% ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

“Tuy nhiên, tôi thấy trong việc bổ nhiệm, đề bạt và bố trí các đồng chí nữ ở các vị trí cao, hoặc ở các vị trí ra quyết định thì tôi thấy vẫn chưa xứng với tiềm năng của chị em. Tôi nói chưa xứng với tiềm năng của chị em, bởi lẽ rất nhiều các đồng chí nữ có tài, có tầm, có tâm, có đủ phẩm cách để đảm nhiệm những vị trí này. Nhưng tỷ lệ đó rất ít, tôi không nói rằng bố trí đạt tỷ lệ theo bằng bất kỳ giá nào. Chính vì vậy, tôi xin đề nghị bổ sung một điều phải quy định ngay là tỷ lệ nữ tham gia Chính phủ ít nhất phải từ 20% trở lên”, ĐB An kiến nghị.