Nâng cao mức hưởng thụ đời sống tinh thần cho người dân
“Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” rộng khắp đến với các tầng lớp nhân dân.
Một trong những hoạt động mà Hòa Vang luôn hướng đến là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trọng tâm là văn hóa gia đình, dòng tộc. Việc thờ cúng tổ tiên, tri ân những người có công với nước, các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống đạt được những kết quả đáng kể, làm thay đổi nhiều phong tục, tập quán, thói quen lạc hậu, dần hình thành nếp sống văn hóa trong mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng. Công tác giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, truyền thống quê hương, đặc biệt là phong trào “Thanh niên làm theo lời Bác” được đông đảo đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện hưởng ứng. Qua các hội thi, các hoạt động về nguồn, các phong trào thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước đã giúp thế hệ trẻ nhận thức các giá trị truyền thống của quê hương, dân tộc. Thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị”, “Xây dựng xã văn hóa nông thôn mới” đã làm cho bộ mặt nông thôn khởi sắc, cảnh quan môi trường ngày càng khang trang, sạch đẹp; tình làng nghĩa xóm càng thêm gắn bó…
Việc thực hiện tiêu chí văn hóa đã thực sự đi vào cuộc sống và được người dân đón nhận tích cực. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã tạo ra một vùng nông thôn Hòa Vang hiện đại, văn minh, nhưng không vì thế mà mất đi bản sắc văn hóa tốt đẹp ở từng gia đình, dòng tộc, làng quê. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và các địa phương, đơn vị còn đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời thông qua việc xây dựng và triển khai các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” ở các địa phương. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 33 di tích lịch sử-văn hóa, kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng cấp quốc gia, thành phố. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc được chú trọng, nhất là việc sưu tầm phổ biến các loại hình văn học-nghệ thuật dân ca, bài chòi; phối hợp với các cơ quan chuyên môn khôi phục lại các giá trị văn hóa lịch sử như lễ hội Mục đồng đình Thần nông làng Phong Lệ (xã Hòa Châu), văn hóa phi vật thể và nghề truyền thống của đồng bào dân tộc 2 xã Hòa Bắc, Hòa Phú…
Ngoài việc tổ chức biên soạn tập tài liệu giảng dạy lịch sử Đảng bộ huyện, lịch sử “Quảng Xương - Hòa Vang thắm tình kết nghĩa” để giảng dạy chính khóa 1 tiết/1 năm cho học sinh bậc THCS; huyện còn xây dựng chuyên mục phát thanh thực sự hiệu quả như “Đất và người Hòa Vang”, “Đảng trong cuộc sống hôm nay”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tiếp tục tổ chức các cuộc thi “Xây dựng video clip tuyên truyền gương người tốt, việc tốt” và phản ánh “Thành tựu Hòa Vang trên con đường đổi mới” để chuyển tải những thông điệp về văn hóa, con người Hòa Vang; phối hợp với Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) TP tổ chức đợt sáng tác và quảng bá các tác phẩm VHNT về chủ đề “Nông thôn mới Hòa Vang” nhằm cổ vũ, động viên chính quyền và nhân dân trên địa bàn.
Có thể nói, những kết quả trên đã góp phần tích cực trong việc giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong đời sống và tạo được môi trường văn hóa lành mạnh; chống lại sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, các trang mạng xã hội không dùng đúng mục đích… “Hòa Vang là vùng đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc và là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử văn hóa truyền thống. Việc nỗ lực xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đạt được nhiều kết quả tốt; góp phần nâng cao mức hưởng thụ đời sống tinh thần cho người dân, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, gìn giữ bền vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới” - Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang Nguyễn Thị Vân chia sẻ.
Vy Hậu