Báo Công An Đà Nẵng

Nâng cao nhận thức về quản lý rác thải nhựa cho doanh nghiệp

Thứ bảy, 05/12/2020 20:31

Ngày 4-12, tại TP Đà Nẵng, Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- Chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) phối hợp với Pepsico Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nâng cao nhận thức về quản lý rác thải nhựa cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Việt Nam” thu hút hơn 100 doanh nghiệp tại khu vực miền Trung tham dự.

Quang cảnh Hội thảo “Nâng cao nhận thức về quản lý rác thải nhựa” cho DNVVN miền Trung.

Bà Tô Kim Liên- Giám đốc CED cho biết: Hội thảo là một trong những hoạt động của Dự án “Nâng cao nhận thức về quản lý rác thải nhựa cho DNVVN Việt Nam” được tài trợ bởi Quỹ Pepsico, do CED phối hợp với các đối tác tại Việt Nam thực hiện từ tháng 1-2020 đến tháng 6-2022. Dự án có 2 mục tiêu chính: một là, quản lý rác thải nhựa hiệu quả trong khu vực tư nhân thông qua các biện pháp giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng và cải tiến công nghệ sản xuất; hai là, tăng cường giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ về môi trường và ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa.

Với mục tiêu thứ nhất, Dự án tổ chức các hội thảo nâng cao nhận thức cho các DNVVN Việt Nam về ô nhiễm rác thải nhựa, trách nhiệm của DNVVN trong công tác quản lý rác thải nhựa, nhất là các biện pháp phân loại, thu gom, xử lý rác thải nhựa và tìm kiếm các giải pháp về công nghệ hoặc các giải pháp thay thế khác trong ngành sản xuất kinh doanh bao bì; tổ chức diễn đàn đối thoại giữa các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến chính sách quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam. Với mục tiêu thứ hai, Dự án triển khai các hoạt động như: đào tạo và huấn luyện 60 lãnh đạo môi trường trẻ (từ 18 đến 25 tuổi); tổ chức các chiến dịch tuyên truyền về ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa tại các trường đại học, THPT trên địa bàn các tỉnh, thành gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, TPHCM, TTHuế, Khánh Hòa, Phú Yên, An Giang; hỗ trợ kinh phí để tổ chức các cuộc thi khoa học về môi trường, triển lãm về môi trường…

Tại Hội thảo, đại diện Bộ TN- MT cho biết: Mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nước ta nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới là 10% do việc quản lý và xử lý rác thải nhựa chưa triệt để. Với tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa ngày càng tăng, Chính phủ đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm từ rác thải nhựa. Vào tháng 12-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đến năm 2030, gần đây nhất là Chỉ thị số 33/ CT-TTg ngày 20-8-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.

Đặc biệt, các chuyên gia của Bộ TN-MT đã chia sẻ, trao đổi và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về tác hại của ô nhiễm môi trường rác thải nhựa và các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và trong sinh hoạt hàng ngày tại gia đình; định hướng một tương lai không rác thải nhựa, nâng cao nhận thức và hành vi tiêu dùng mới tại Việt Nam, thông qua các sáng kiến nhằm thu gom, xử lý, tái chế rác thải nhựa; đề xuất các chính sách cụ thể hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp, vai trò của doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp thông qua phổ biến Luật Bảo vệ môi trường mới sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua vào tháng 11- 2020. Giám đốc CED Tô Kim Liên chia sẻ thêm: CED hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp toàn quốc nói chung, các tỉnh, thành khu vực miền Trung nói riêng để tìm ra các giải pháp sáng tạo nhằm thay thế, giảm thiểu và tái sử dụng rác thải nhựa trong ngành sản xuất kinh doanh bao bì.

Theo đánh giá của ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban Pháp chế VCCI, khung khổ pháp luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và có yêu cầu ngày càng cao hơn về các trách nhiệm tái chế, thu gom, xử lý rác thải nhựa của doanh nghiệp. Việc tìm hiểu kỹ lưỡng các quy định pháp luật, chuẩn bị các điều kiện về công nghệ, phương án thực hiện phù hợp là yêu cầu rất quan trọng. Các doanh nghiệp cần chủ động tham gia đóng góp ý kiến để các quy định này phù hợp và khả thi.

Tham gia ý kiến tại Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Quang- Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng, VCCI Đà Nẵng hoan nghênh các ý tưởng, hành động của Dự án “Nâng cao nhận thức về quản lý rác thải nhựa cho DNVVN Việt Nam. Việc dự án này hướng đến các DNVVN là cộng đồng chiếm tỷ trọng tuyệt đối trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không chỉ góp phần vận động, thúc đẩy các DNVVN triển khai các hoạt động thiết thực, chung tay cùng xã hội bảo vệ môi trường mà còn góp phần xây dựng hình ảnh tích cực của DNVVN đối với khách hàng, đối tác… Ngoài ra, việc tham gia dự án nói trên cũng gợi mở cơ hội, ý tưởng kinh doanh mới theo mô hình kinh tế tuần hoàn cho các DNVVN Việt Nam nói chung, khu vực miền Trung nói riêng.

PHÚ NAM