Nâng cao sức cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam
(Cadn.com.vn) - Sáng 20-8, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do đồng chí Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).
Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Cuộc vận động, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho biết: Chủ trương của Cuộc vận động cũng chính là chiến lược phát triển của Tập đoàn. 5 năm thực hiện Cuộc vận động đánh dấu thành công của chiến lược phát triển thương hiệu của các đơn vị trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam, khẳng định được vị thế, khả năng cạnh tranh với các nhãn hiệu hàng hóa nước ngoài trên thị trường Việt Nam.
Vinatex đang cùng với các đơn vị tạo mối liên kết bền vững để đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời mở hướng đi mới cho ngành dệt may trên thị trường nội địa. Việc thực hiện Cuộc vận động đã khuyến khích doanh nghiệp Dệt may Việt Nam sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa, tỷ lệ tăng trưởng sử dụng nguyên liệu từ nguồn trong nước đã tăng một cách khả quan.
Tại buổi làm việc, thảo luận về các giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động, thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện các đơn vị thành viên của Tập đoàn đã nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của các doanh nghiệp, người lao động, người tiêu dùng trong nước; quảng bá rộng rãi thương hiệu, sản phẩm dệt may Việt Nam để chiếm lĩnh thị trường nội địa và xuất khẩu.
Các doanh nghiệp cần chia sẻ trách nhiệm, tăng cường sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau, hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ, cùng hỗ trợ nhau phát triển sản xuất. Các cơ quan chức năng có biện pháp quyết liệt chống hàng giả, hàng kém chất lượng, tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh.
Các đại biểu cũng trao đổi về những kiến nghị, đề xuất liên quan đến chính sách đầu tư phát triển khu công nghiệp chuyên ngành dệt may có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn; phát triển, thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ dệt may; cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp dệt may tăng cường tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm, dịch vụ.
Hương Thủy