Báo Công An Đà Nẵng

"Nâng chuẩn" người Đà Nẵng!

Thứ hai, 15/01/2018 13:30

Nhắc đến Đà Nẵng, rất nhiều người đều chung nhận định đây là một thành phố có môi trường an bình, đặc biệt người dân Đà Nẵng thân thiện, văn minh. Để có được sự ghi nhận đó, vấn đề tiên quyết là sự đồng lòng ủng hộ của người dân Đà Nẵng đối với chủ trương "Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, đô thị". Để tiếp tục nâng cao tiêu chí trong việc thực hiện chủ trương trên, Đà Nẵng đã phát hành Sổ tay văn hóa "Người Đà Nẵng thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị".

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy giới thiệu Sổ tay văn hóa Người Đà Nẵng thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị tại hội nghị. Ảnh: Q.P 

"Từ điển" làm người văn minh

Nội dung trọng tâm của Sổ tay văn hóa "Người Đà Nẵng thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị" nhằm định hình những nguyên tắc ứng xử,  cũng như các hành vi nên, không nên trong văn hóa gia đình, văn hóa học đường, văn hóa công sở, văn hóa du lịch, văn hóa giao thông... Đặc biệt, trong sổ tay văn hóa được điều chỉnh, bổ sung năm 2017, Ban Tuyên giáo thành ủy Đà Nẵng đã cập nhật một nội dung mới, đó là văn hóa ứng xử với mạng xã hội. Theo đó, văn hóa ứng xử với mạng xã hội khuyến khích người dân nên sử dụng mạng xã hội phục vụ nhu cầu tìm kiếm, chia sẻ thông tin hữu ích cho cá nhân và xã hội. Để định hướng cho người dùng mạng xã hội, mọi người nên bình luận tốt đẹp, góp ý chân thành bằng thái độ chuẩn mực, biết tôn trọng người khác, sử dụng mạng xã hội đúng pháp luật...

Về nguyên tắc ứng xử trong giao tiếp gia đình phải tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, đoàn kết. Trong văn hóa gia đình, cách ứng xử giữa cha mẹ với con cái không được xúc phạm nhân phẩm, thân thể, không xâm phạm những vấn đề riêng tư của con. Không áp đặt, ngăn cấm các mối quan hệ xã hội của con cái mà không giải thích. Không quan tâm đến con cái hay chiều chuộng quá mức, làm ngơ cho lỗi lầm của con và ngược lại. Về bổn phận của con cái cũng có những yêu cầu rõ ràng, cụ thể đối với cha mẹ, ông bà và anh chị em trong gia đình.

Đối với nội dung văn hóa học đường có những quy định cụ thể những hành vi, thái độ nên và không nên dành cho học sinh và nhà giáo, công chức viên chức. Trong đó, những hành vi được khuyến khích đối với học sinh là biết chia sẻ giúp đỡ người lớn tuổi, phụ nữ, trẻ em, người gặp hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn. Biết bảo vệ cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, không vi phạm TTATGT, không có hành vi bạo lực, không lạm dụng thân thể người khác, không cờ bạc, trộm cắp, phá hoại tài sản, không mua bán sử dụng đồ uống có cồn, chất gây nghiện... Đối với nhà giáo, công chức viên chức nên sẵn sàng giúp đỡ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của học sinh, không đánh hoặc có những hành vi xúc phạm thân thể và tinh thần học sinh, không bè phái, gây mất đoàn kết đơn vị...

Một nội dung luôn gắn liền với chủ trương xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị (VH,VMĐT) là văn hóa giao tiếp, ứng xử nơi công cộng và trong gia đình, cộng đồng dân cư. Đề cao thái độ thân thiện, tương thân tương ái và tôn trọng mọi người, có hành xử văn minh, lịch sự. Những tiêu chí văn hóa trong ứng xử, giao tiếp tại cộng đồng khu dân cư được nêu khá cụ thể, như: không lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, không để các vật dụng, phơi áo, quần... nơi công cộng, mặt tiền đường phố gây mất mỹ quan đô thị. Không thả rông vật nuôi, không vứt rác, đổ nước thải  nơi công cộng, không đặt các vật thờ cúng và các vật phẩm thờ cúng ra đường...

Các em học sinh tham khảo nội dung tuyên truyền cách ứng xử trong văn hóa học đường. 

Khẳng định "thương hiệu" thân thiện, văn minh 

Có thể thấy việc triển khai thực hiện chủ trương VH,VMĐT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong những năm qua đã tạo được sự chuyển biến khá rõ nét, góp phần xây dựng hình ảnh thành phố Đà Nẵng thân thiện, sạch đẹp. Ý thức chấp hành các quy định về xây dựng nếp sống VH,VMĐT, văn hóa giao tiếp ứng xử nơi công cộng và trong cộng đồng dân cư của người dân Đà Nẵng có nhiều chuyển biến tích cực. Trật tự đô thị dần đi vào nề nếp, vấn đề vệ sinh môi trường được đảm bảo. Nhất là tình trạng đeo bám, chèo kéo du khách và lang thang xin ăn, ăn xin biến tướng được kiểm soát chặt chẽ... Bên cạnh đó các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi trên toàn địa bàn, nhiều sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn thành phố thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân và du khách. Để đạt được những kết quả trên, bên cạnh sự vào cuộc quyết tâm, mạnh mẽ của các cấp, ngành còn có sự đồng lòng ủng hộ của các tầng lớp nhân dân thành phố đối với chủ trương thực hiện VH,VMĐT. Đây là tiền đề và là nền tảng để thành phố Đà Nẵng phấn đấu thực hiện chương trình "Thành phố 4 an" và Đề án "Xây dựng nếp sống VH,VMĐT" trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2020.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn thì việc thực hiện chủ trương VH,VMĐT trên địa bàn thành phố vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Đó là thiếu sự phối hợp ở một số ngành, địa phương, chuyển biến nhận thức đến hành động của một bộ phận người dân còn chậm, vẫn còn những hành vi bất cập trong văn hóa giao tiếp ứng xử, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao. Đặc biệt, các hành vi quảng cáo rao vặt sai quy định, đeo bám, chèo kéo khách du lịch, lang thang xin ăn, ăn xin biến tướng vẫn còn tồn tại với nhiều hình thức hoạt động khá tinh vi.

Để tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về thực hiện nếp sống VH,VMĐT, tại hội nghị diễn ra ngày 12-1, ông Bùi Xuân- Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, cho rằng: Cần tập trung tuyên truyền chủ trương trên đến từng hộ gia đình trong cộng đồng dân cư. Nâng cao vai trò giáo dục trong nhà trường, phát động mạnh mẽ đến học sinh sinh viên. Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa trong giao tiếp ứng xử, ý thức chấp hành pháp luật... Bên cạnh đó, ông Bùi Xuân cũng cho rằng các cấp các ngành các địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo TTATXH, TTATGT,  vệ sinh môi trường. Tập trung trọng điểm cho công tác kiểm tra xử lý quyết liệt các hành vi không phù hợp với nếp sống VH,VMĐT như: quảng cáo rao vặt sai quy định, đeo bám, chèo kéo du khách, lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố.

Tại hội nghị hướng dẫn tuyên truyền và phát hành Sổ tay văn hóa "Người  Đà Nẵng thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị" sáng 12-1, các đại biểu tham dự đã trao đổi các nội dung liên quan đến việc xây dựng các phương thức phối hợp tuyên truyền hiệu quả nhất về chủ trương trên. Từ đó, mỗi địa phương, ngành sẽ chọn một phương thức tuyên truyền phù hợp để nhân rộng. Trước mắt, Ban tuyên giáo Thành ủy giao Ban Tuyên giáo quận ủy Thanh Khê triển khai thí điểm tuyên truyền thực hiện nếp sống VH,VMĐT bằng hình thức sân khấu hóa kết hợp tuyên truyền miệng tại 10 phường trên địa bàn quận trong quý 1-2018.

Q.PHÚC