Báo Công An Đà Nẵng

“Nàng diva đơn độc”

Thứ sáu, 05/09/2014 07:19

(Cadn.com.vn) - Trong khi Mỹ có mạng lưới liên minh rộng khắp toàn cầu, một Trung Quốc phát triển lại quá đơn độc. Tất cả do chính sách không liên minh của Bắc Kinh?

Gần đây, Mỹ tăng cường cân bằng hoạt động bên ngoài bằng cách nối lại mối quan hệ nồng ấm với bạn bè cũ ở Châu Á-Thái Bình Dương (Philippines, Nhật, Hàn) và tìm cách kiếm thêm các đồng minh mới (Myanmar, Ấn Độ). Washington rõ ràng đang tìm cách củng cố liên minh tam giác với Tokyo và Seoul trong khi một số nhà phân tích chiến lược và các tướng lĩnh thậm chí còn kêu gọi thành lập một phiên bản “NATO của Châu Á”, như phản ứng chiến lược cho sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc.

Năng lượng dồi dào sau Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh, cùng với tính ưu việt về tư tưởng và thực dụng của “trật tự thế giới tự do”, đã ban tặng cho nước Mỹ một mạng lưới liên minh toàn cầu về cả chính trị và quân sự. Điều này hoàn toàn tương phản với sự phát triển mạnh mẽ nhưng cô đơn của Trung Quốc.

Trong lịch sử, trước khi có khái niệm về các quốc gia, Trung Quốc là trung tâm quyền lực kinh tế ở Đông Á với hệ thống triều cống. Việc  hình thành liên minh không thực sự là một phần của lịch sử Trung Quốc. Danh dự và lòng tự trọng của một quốc gia lớn khiến Bắc Kinh khó chấp nhận một bàn tay giúp đỡ từ nước chư hầu.

Hiện nay Trung Quốc là cường quốc cô đơn với đồng minh duy nhất: Triều Tiên. Nhưng khi Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn ở ngoại vi gần Trung Quốc và lợi ích của Bắc Kinh trở thành toàn cầu, cuộc tranh luận mới nóng đang diễn ra tại Bắc Kinh.

Yan Xuetong, giáo sư có ảnh hưởng tại Đại học Thanh Hoa - và một số người mang tư tưởng diều hâu - ủng hộ mạnh mẽ chính sách hình thành liên minh mới. Họ cho rằng, việc này nên là ưu tiên chiến lược cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Nhóm này cho rằng, chính sách không liên minh là quá lỗi thời nhất là đối với một đất nước chuyển đổi chóng mặt như Trung Quốc. Bắc Kinh cần nguồn lực và hàng hóa toàn cầu và tất nhiên không muốn bị cộng đồng quốc tế cản trở.

Nhiều lập luận cho rằng, các lợi ích của Trung Quốc trên toàn thế giới không thể chỉ được bảo vệ bằng lời nói và do đó Bắc Kinh cần phải xây dựng tập hợp các liên minh chính trị, kinh tế và quân sự hoặc ít nhất là xếp hạng rõ ràng các quốc gia thân thiện và không thân thiện.

Nhưng câu hỏi đặt ra là Trung Quốc nên liên minh với ai? Nga, các quốc gia EU, các quốc gia Đông Nam Á hay các quốc gia Châu Phi... Thiết nghĩ, trước tiên, Trung Quốc cần phải xem lại bản thân mình có “đủ điều kiện và sức hút” để các nước muốn lại gần hơn hay không.

Những tuyên bố chủ quyền ngang ngược gần đây của Bắc Kinh đang khiến cả cộng đồng quốc tế chỉ trích, quan ngại và chắc chắn không ai muốn liên minh với một quốc gia như thế. Sau khi điều giàn khoan dầu Hải Dương 981 đến ở lỳ tại vùng biển Việt Nam, Trung Quốc hôm 3-9 đưa giàn khoan mới Khải Hoàn 1 đến thăm dò tại biển Hoa Đông, khu vực bao gồm cả vùng biển tranh chấp với Nhật Bản.

Những diễn biến này cho thấy, nếu Trung Quốc không tự mình thay đổi, dù nổi tiếng và giàu có, họ sẽ vẫn mãi chỉ là “một diva đơn độc”.

Thanh Văn