Báo Công An Đà Nẵng

Nặng lòng với Hoàng Sa

Thứ năm, 08/10/2015 11:12

(Cadn.com.vn) - Quê hương Hải đội Hoàng Sa được biết đến với những ngư dân can trường, dũng cảm bám ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa để mưu sinh và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Đã có nhiều ngư dân quên mình lúc Hoàng Sa dậy sóng, trong đó không ai không biết đến ngư dân Lê Khởi - Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, H. Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Khuôn mặt sạm đen vì nắng gió, có cả vị mặn của muối biển, anh Lê Khởi cười rạng rỡ, say sưa kể về cuộc đời gắn liền với Hoàng Sa. Sinh ra trong gia đình có truyền thống đi biển, 16 tuổi anh đã xếp bút nghiên nối nghiệp cha anh. 24 tuổi anh đã theo các tàu cá của ngư dân địa phương ra Hoàng Sa, gắn cuộc đời mình với biển từ đó. 49 tuổi, anh Khởi đã có thâm niên 25 năm bám biển Hoàng Sa. Để thỏa chí nam nhi, anh còn mạnh dạn đóng mới tàu cá QNg 6308 TS có công suất 80CV do chính mình làm thuyền trưởng cùng các bạn chài khai thác hải sản. Cuộc đời đi biển của anh cũng lắm gian nan, nguy hiểm, hết thiên tai lại đến nhân tai, nhưng không một lần nào anh có ý định chuyển nghề hay chuyển ngư trường khác.  Năm 2007, tàu cá của anh cùng 14 lao động đang khai thác hải sản ở ngư trường Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc tấn công, đưa về đảo Hải Nam giam giữ để đòi tiền chuộc. Tập thể thuyền viên tàu kiên quyết không ký giấy tờ và tổ chức tuyệt thực cùng với sự can thiệp của Đại sứ quán, mới được thả về. Năm 2008, con tàu cá đầu tiên do anh làm thuyền trưởng gặp bão lớn, có nguy cơ bị sóng nhấn chìm. Bằng bản lĩnh và kinh nghiệm của mình, anh lái tàu vượt qua sóng gió để vào trú bão ở một hòn đảo tại Hoàng Sa. Trong tình thế nguy cấp ấy anh còn cứu sống một ngư dân Trung Quốc nhưng không may con tàu bị va vào rạn đá và nứt toác.

Những ngày mất tàu, ý chí ra lại Hoàng Sa luôn cháy bỏng trong anh. Và rồi, bằng khoản tiền dành dụm và đi vay thêm khoảng 600 triệu đồng, anh sắm lại con tàu mới. Chuyến ra lại Hoàng Sa trên con tàu mới vui biết nhường nào, với anh như được trở về “ngôi nhà” thứ hai của mình. Vào thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước ta, tàu anh là một trong những tàu cá của ngư dân Lý Sơn bị tấn công cướp sạch ngư cụ và bị đập phá tan hoang ở ngư trường Hoàng Sa. Thế nhưng anh vẫn không nản lòng, kiên trì cho tàu đạp sóng bám biển mưu sinh, bảo vệ ngư trường truyền thống và khẳng định chủ quyền Tổ quốc. “Hoàng Sa là biển của mình, do ông cha mình gìn giữ bao đời, ngư dân mình ra đánh bắt và bảo vệ là lẽ thường tình, không gì phải chùn bước”-anh dứt khoát.

Ngư dân Lê Khởi chuẩn bị cho một chuyến ra khơi.

Ngư dân Lê Khởi còn được biết đến là người nghĩa hiệp trên biển, vì không biết bao lần anh cứu nạn tàu cá ở Hoàng Sa đưa về đảo Lý Sơn mà không bận tâm đến chuyện tiền nong. Với anh, việc cứu người, cứu tàu là mệnh lệnh trái tim. Trong ký ức người thuyền trưởng hiền lành, chất phác không thể quên những chuyến cứu nạn ở Hoàng Sa. Năm 2006, khi đang hành nghề tại Hoàng Sa, nhận được tin tàu cá QNg 96047 TS của ngư dân Bùi Vốn cùng quê bị chết máy trôi dạt trên biển, anh nhanh chóng cho tàu rẽ sóng đi cứu người trong nguy cấp. Sau 1 ngày lênh đênh trên biển, tàu bị nạn cuối cùng cũng được hỗ trợ lai dắt về đảo Lý Sơn trong niềm vui mừng của chính quyền địa phương và người dân. Một lần khác, tàu cá của ngư dân Nguyễn Lý ở thôn Tây (xã An Hải, H. Lý Sơn) có 15 lao động cũng bị chết máy thả trôi dạt trên biển Hoàng Sa. Nhận được tin, dù số cá khai thác chưa đủ chi phí cho chuyến biển, nhưng anh đã thuyết phục các thuyền viên cho tàu nhổ neo hướng về phía tọa độ tàu bị nạn. Nhờ sự trợ giúp kịp thời này mà 15 tính mạng và tài sản trên tàu bị nạn không bị mất mát. Mặc dù được khen thưởng nhiều lần, nhưng niềm vui lớn nhất của anh vẫn là được thấy những chiếc tàu mình từng cứu giờ vẫn giương cao ngọn cờ đỏ sao vàng rẽ sóng ra Hoàng Sa - Trường Sa.

Dù Hoàng Sa luôn dậy sóng, nhưng những ngư dân như Lê Khởi vẫn kiên cường tiếp nối truyền thống cách mạng của đội dân binh Hoàng Sa năm xưa, vững vàng trên những con tàu đánh cá vượt đầu sóng ngọn gió ra Hoàng Sa để mưu sinh và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Quỳnh Như