Năng lượng tái tạo- cơ hội thay đổi Trung Quốc
(Cadn.com.vn) - Năng lượng tái tạo có thể cải thiện chất lượng không khí của Trung Quốc, và hình ảnh của nước này trước thế giới.
Nhìn vào những tin tức, câu chuyện về Trung Quốc trong những tháng qua, chúng ta luôn bắt gặp các chủ đề như nền kinh tế đang chậm lại, một cuộc chạy đua trên biển với Mỹ, các vụ điều tra tham nhũng, tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản...
Rất ít những tin tức tốt lành về Bắc Kinh. Rõ ràng, quyền lực mềm của Trung Quốc ngày càng giảm sút. Trong khi đó, những thách thức kinh tế và tham nhũng khiến Bắc Kinh phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ở ngoài nước, các sự cố hàng hải, việc quân đội Trung Quốc đang tăng cường tiếp cận các quần đảo tranh chấp… đang đi ngược với tuyên bố "trỗi dậy hòa bình" của nước này. Rõ ràng, Trung Quốc cần phải xây dựng lại hình ảnh của mình trong mắt cộng đồng quốc tế.
Đây dường như là một nhiệm vụ khá nặng nề, nhưng lại là cơ hội để Bắc Kinh thay đổi.
Môi trường - cơ hội cải thiện hình ảnh
Tại sao môi trường là cơ hội giúp Trung Quốc cải thiện hình ảnh? Đầu tiên, chính phủ Trung Quốc có khả năng ứng phó với những mối quan ngại của cộng đồng. Được người dân trong nước và quốc tế ca ngợi sẽ chứng minh rằng, Trung Quốc là quốc gia có trách nhiệm.
Chẳng hạn như các chính sách hiện có của Trung Quốc ở Bắc Cực, nơi mà Bắc Kinh thu lợi từ các nguồn năng lượng và hàng hải cần phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường và lợi ích của người dân bản địa. Tập trung vào lĩnh vực môi trường sẽ làm cho những nỗ lực của Bắc Kinh ở Bắc Cực ngày càng hợp lý hơn.
Thứ hai, phát triển nguồn năng lượng xanh nằm trong các kế hoạch của Bắc Kinh. Năm 2006, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào lúc đó phê duyệt Các chương trình trung và dài hạn quốc gia về Phát triển Khoa học và Công nghệ (2006-2020), đặc biệt tập trung vào việc phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.
Sau đó, vào tháng 3-2011, chính phủ thông qua Kế hoạch 5 năm lần thứ XII (2011-2015), trong đó tập trung vào 7 lĩnh vực chiến lược quan trọng, trong đó có tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Thứ ba, Trung Quốc áp dụng thành công công nghệ mới để tiêu thụ gió, năng lượng mặt trời và năng lượng sinh khối. Trong năm 2012, Trung Quốc sử dụng năng lượng từ 3 nguồn này tương đương với 31,9 triệu tấn dầu, chỉ đứng thứ hai sau Mỹ (với 50 triệu tấn dầu).
Mặt trời là một trong các nguồn năng lượng xanh mà Trung Quốc đang tập trung phát triển. Ảnh: Diplomat |
Gió, mặt trời, sinh khối
Thị trường năng lượng gió bắt đầu hình thành vào năm 2003, với sự ra mắt của dự án do Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia (NDRC) quản lý. Bắc Kinh tập trung vào phát triển thị trường, và vào cuối năm 2012, họ tạo ra 75,32 GW từ các nhà máy điện gió, chiếm 27% thị phần toàn cầu.
14 tỉnh của nước này sản xuất hơn 1 GW mỗi năm, gồm Nội Mông, Hà Bắc và Cam Túc. Kế hoạch đầy tham vọng của chính phủ nhằm đạt 200 GW vào năm 2020 là hoàn toàn có thể thực hiện, miễn là Bắc Kinh có thể vượt qua thách thức lớn: một mạng lưới không hiệu quả nối các trung tâm năng lượng lớn ở phía Bắc với các trung tâm tiêu thụ tại khu vực phía Đông và phía Nam. Trung Quốc đang đặt trọng tâm đáng kể vào việc phát triển các trang trại gió trên bờ biển. Song song với việc phát triển nguồn năng lượng này, nhiều công ăn việc làm cũng được tạo ra.
Trong khi đó, sự tăng trưởng nhanh chóng của năng lượng mặt trời ở Trung Quốc trong 3 năm qua được phản ánh ở việc giảm chi phí sản xuất. Trong năm 2010, năng lực tổng hợp của các nhà máy điện năng lượng mặt trời của Trung Quốc là ít hơn 1 GW.
Ngoài ra, Trung Quốc đang thực hiện chương trình cài đặt tấm pin mặt trời trên mái nhà, sẽ giúp nước này giảm chi phí hiện đại hóa lưới điện tại các khu vực xa xôi như Cam Túc, Tân Cương và Thanh Hải.
Thành phần thứ ba của sản xuất năng lượng xanh ở Trung Quốc là sinh khối, gồm một số thành phần: chất thải từ chăn nuôi, nông nghiệp và lâm nghiệp, chất thải rắn ở đô thị. Bắc Kinh đang nhắm mục tiêu tạo ra 15 GW từ nay đến năm 2015 bằng cách sử dụng chất thải. Năng lượng này tương đương với việc đốt 32 triệu tấn than.
Trong 2 năm tới, Trung Quốc tập trung phát triển năng lượng sinh khối, với kế hoạch xây dựng và khởi động 300 nhà máy điện sử dụng chất thải. Với chính sách tích cực này, Bắc Kinh có thể sản xuất 30 GW năng lượng từ sinh khối vào năm 2020, qua đó tăng thu nhập cho nông dân và tạo việc làm mới.
Nếu Bắc Kinh tích cực quảng bá những việc mình đã làm đến với người dân trong nước và quốc tế, thì hình ảnh của nước này sẽ được cải thiện đáng kể.
An Bình
(Theo Diplomat)