Báo Công An Đà Nẵng

Nắng nóng, trẻ nhập viện gia tăng

Thứ hai, 11/05/2015 12:20

(Cadn.com.vn) - Nắng nóng đang diễn ra gay gắt trên địa bàn TP Đà Nẵng đã khiến cho đời sống và sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, đặc biệt làm gia tăng số bệnh nhi nhập viện điều trị các bệnh như: tay chân miệng, viêm mũi, viêm phổi, viêm đường hô hấp, sốt siêu vi, tiêu chảy...

Nắng nóng đột ngột khiến nhiều trẻ em mắc bệnh. 

Đừng chủ quan với các bệnh mùa nóng

Những ngày đầu tháng 5-2015, có mặt tại các bệnh viện, Trung tâm y tế (TTYT) trên địa bàn thành phố, chúng tôi ghi nhận số lượng trẻ em đến khám và điều trị đang có chiều hướng gia tăng. Riêng tại BV Phụ sản – Nhi mỗi ngày đã tiếp nhận hàng trăm bệnh nhi đến thăm khám và điều trị. Trong đó, có không ít bệnh nhi đến từ Quảng Nam, Quảng Ngãi... Theo các bác sỹ, số trẻ đến khám và điều trị chủ yếu mắc các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm mũi, viêm họng...

Số lượng trẻ em mắc bệnh trong thời gian gần đây nhiều là do thời tiết đang vào mùa nắng nóng đã làm gia tăng sự phát triển của các loại siêu vi gây ra những bệnh ở trẻ. Một tác nhân khác là do thời tiết tăng đột ngột, trẻ em chưa thích ứng kịp cộng với việc sử dụng quạt hay máy lạnh không đúng cách.

Chị Bùi Thị Phương (trú Q. Cẩm Lệ) cho biết: Do trời quá oi bức nên gia đình tôi phải mở máy lạnh liên tục và ở nhiệt độ thấp. Sau hơn một tuần thì đứa con gái 3 tuổi của tôi bắt đầu có triệu chứng ho, sốt cao. Các bác sỹ cho biết con chị Phương bị bệnh viêm tiểu phế quản nên cần nhập viện để điều trị. Không riêng tại BV, các phòng khám tư nhân cũng trở nên quá tải. Có mặt tại một phòng khám tư trên đường Ông Ích Khiêm, chúng tôi chứng kiến hàng chục phụ huynh đang bồng con ngồi đợi bác sỹ khám. 

Trước tình hình bệnh nhi có xu hướng tăng, lãnh đạo các BV và TTYT đã chỉ đạo các khoa, phòng căn cứ vào tình hình số lượng bệnh nhân để thực hiện việc kê thêm giường bệnh nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu điều trị cho người bệnh. Đồng thời, tăng cường đội ngũ y, bác sỹ ra Khoa Khám bệnh, kéo dài thời gian thăm khám để giải quyết hết bệnh nhân trong ngày. Theo thống kê sơ bộ, các trường hợp bệnh nhi phải nhập viện thì số mắc bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy, tay chân miệng chiếm phần lớn.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, để phòng tránh những bệnh mùa nắng nóng, các bậc phụ huynh nên giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tránh để trẻ thay đổi nhiệt độ đột ngột, cung cấp đầy đủ nước và chất dinh dưỡng nhằm tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt, chế độ ăn uống của trẻ phải được quản lý chặt chẽ và không nên cho trẻ ăn thức ăn tại các quán hàng rong, vỉa hè.

Đồng thời, cha mẹ cũng nên lưu ý về việc lựa chọn và bảo quản thực phẩm tươi. Bởi mùa nóng là môi trường lý tưởng của các vi khuẩn sinh sôi, làm cho thực phẩm dễ và nhanh ôi thiu, hư hỏng. Nếu trẻ có biểu hiện bất thường về sức khỏe nên đưa đến cơ sở y tế gần để được điều trị và tư vấn, không nên tự điều trị tại nhà, có thể xảy ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Để hạn chế việc trẻ mắc các loại bệnh khi giao mùa, phụ huynh cần đưa con em mình đi tiêm vaccine.

Tay chân miệng có xu hướng tăng

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng (TTYTDPTP), trong các loại bệnh mùa nắng nóng ở trẻ hiện nay thì tay chân miệng (TCM) đang chiếm ưu thế và có xu hướng tăng. Từ giữa tháng 4-2015 đến nay, cứ bình quân mỗi tuần trên địa bàn thành phố có khoảng 35 trẻ mắc TCM, cộng dồn từ đầu năm 2015 đến nay là hơn 600 ca mắc (cùng kỳ năm 2014 là 294 ca). Dù số lượng trẻ em mắc bệnh TCM tăng so với những tháng đầu năm 2015 và cùng kỳ năm 2014 nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của ngành Y tế và hầu hết các ca bệnh đều ở mức độ nhẹ, chỉ từ 1 đến 2A.

Tuy nhiên, dự báo theo chu kì, số trẻ mắc bệnh TCM sẽ còn tiếp tục tăng trong những tuần tới. Bởi, đây là thời điểm của đỉnh dịch trong năm. Bệnh TCM gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Thời gian ủ bệnh từ 4-6 ngày kể từ khi nhiễm virus. Khi bị bệnh, trẻ sẽ sốt từ 38,3oC-40oC, biếng ăn, đau đầu, đau cơ, đau họng và khó chịu ở bụng. Sau đó vài ngày, trẻ xuất hiện các nốt đỏ trên da, đau ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, bàn chân và các nốt này nhanh chóng hình thành mụn phỏng...

Bác sỹ Dương Ấm Mậu – Phó Trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm (TTYTDPTP) khuyến cáo: Để mầm bệnh TCM và các loại bệnh mùa nắng nóng không thể thâm nhập vào cơ thể con em, học sinh của mình, mọi người hãy thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt trước khi ăn, bế trẻ, sau khi đi vệ sinh và làm vệ sinh cho trẻ; cho trẻ ăn chín, uống sôi. Đồng thời, rửa sạch các vật dụng ăn uống trước khi sử dụng; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Ngoài ra, các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

T.Dũng