Báo Công An Đà Nẵng

Năng suất khai thác hải sản có xu hướng giảm

Thứ ba, 06/02/2018 10:00

Số liệu kinh tế thu thập được từ Tổng cục Thống kê, sản lượng cá biển khai thác được trong thời gian qua có sự gia tăng nhờ quy mô khai thác. Tuy vậy, năng suất khai thác lại có xu hướng giảm dần ở tất cả các vùng.

Tàu cá ra khơi từ cửa biển Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN LÊ

Năng suất tỷ lệ nghịch với sản lượng

Phân tích số liệu của 29 tỉnh, thành phố có biển trong thời gian 2012 - 2014 cho thấy, cứ 1 tàu có công suất hơn 90 CV tăng thêm thì sản lượng cá khai thác trong năm của tỉnh tăng thêm 20 tấn. Ngoài ra, sản lượng cá tỷ lệ thuận với mức độ biến động của nhiệt độ, mức độ biến động của áp lực mực nước biển và bức xạ mặt trời, trong khi tỷ lệ nghịch với lượng mưa trung bình.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, năm 2012 số lượng tàu thuyền cả nước là 123.125 chiếc, tổng công suất đạt khoảng 10 triệu CV. Tuy số lượng tàu tương đối lớn, nhưng hệ thống tàu thuyền của ngư dân được đánh giá còn rất yếu kém. Có đến 99% tàu cá đóng từ vật liệu gỗ, 85-90% tàu cá sử dụng động cơ từ các thiết bị cũ hoặc thiết bị giao thông đường bộ, trang thiết bị bảo quản thô sơ (dưới 10% tàu có thiết bị bảo quản bằng hộp xốp thổi), số tàu công suất thấp (dưới 90CV) khai thác ven bờ còn lớn, nguồn lợi hải sản ven bờ có dấu hiệu suy giảm trong khi sản lượng khai thác xa bờ cũng đã xấp xỉ ngưỡng khai thác bền vững theo dự báo.

Đánh bắt hải sản đã tạo việc làm cho hơn 5 vạn lao động đánh cá trực tiếp và 10 vạn lao động dịch vụ nghề cá. Mặc dù sự gia tăng về sản lượng cá biển có sự liên quan tới sự gia tăng về số lượng tàu và công suất khai thác, nhưng vấn đề đang nhìn thấy qua các con số là năng suất khai thác đang có xu hướng giảm xuống, thể hiện rõ ràng nhất là năng suất tính theo số tấn cá khai thác được trung bình trên một CV. Mức biến động lần lượt giảm 1/3 năng suất đối với vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, giảm hơn 1/5 năng suất đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ.

Dư thừa cục bộ phương tiện đánh bắt

Thống kê gần đây cho thấy dấu hiệu dư thừa cục bộ phương tiện đánh bắt hải sản đã xuất hiện, công suất huy động tàu tham gia đánh bắt giảm dần, có tàu chỉ huy động khoảng 50% thời gian hoạt động (khai thác cá nổi, tôm biển...). Do nông nghiệp mang lại thu nhập thấp, nhiều nông dân đã tham gia khai thác hải sản và xem đây là phương kế sinh nhai cuối cùng dẫn đến số lượng người tham gia khai thác ở khu vực ven bờ tăng lên, điều này dẫn tới sản lượng khai thác trên một đơn vị cường lực giảm, nguồn lợi ngày càng cạn kiệt.

Để đảm bảo chi phí, các tàu đánh cá buộc phải tăng cường độ khai thác, như tăng số mẻ lưới trong một ngày đêm, tăng số ngày hoạt động, giảm kích thước mắt lưới để tận thu sản lượng, khai thác cả ở những vùng cấm đánh bắt... dẫn đến vấn đề cạnh tranh trong khai thác ngày càng ráo riết và càng tăng nguy cơ hủy diệt nguồn lợi. Cạnh tranh với các tàu cá nước ngoài đang ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất của các tàu cá trong nước. Thực tế, các tàu đánh cá cỡ lớn của nước ngoài thường xuyên xâm phạm và đánh bắt bất hợp pháp nguồn lợi hải sản của nước ta. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ đội Biên phòng, hàng năm có 300 – 500 lượt tàu đánh cá nước ngoài hoạt động trái phép ở vùng biển nước ta. Các tàu này ban ngày thường hoạt động xa bờ, ban đêm vào hoạt động ở vùng gần bờ. Riêng khu vực vịnh Bắc Bộ, ước tính lượng hải sản do các tàu nước ngoài đánh bắt khoảng 100.000 tấn/năm.

Đội tàu cá lại chưa được đầu tư tương thích

Môi trường hoạt động khai thác hải sản vốn đã rất khắc nghiệt, song đội tàu cá lại chưa được đầu tư tương thích, ngư dân còn sử dụng nhiều ngư cụ truyền thống do vậy rất khó khăn trong việc kiểm soát cường lực khai thác trên các vùng biển. Trong khoảng 95.000 phương tiện nghề cá được khảo sát, loại dưới 50 CV và thuyền thủ công có khoảng 64.500 chiếc, chiếm 68%, số tàu cá lắp máy từ 90 CV trở lên có khoảng 13.600 chiếc, chiếm khoảng 14,3%. Cơ cấu đội tàu cá Việt Nam hiện nay, xét về sự tương thích với ngư trường, với nguồn lợi hải sản cho thấy không có sự bất cập lớn, song chất lượng kém của vỏ, máy, các thiết bị an toàn hàng hải đã hạn chế thời gian hoạt động hữu ích trong năm. Với thời gian khai thác thực tế tăng, thời gian tìm kiếm ngư trường tăng, kéo theo chi phí tăng, đồng thời rút ngắn tuổi thọ của các tàu, đặc biệt các tàu cũ, cải hoán, nâng cấp hoặc chất lượng đóng không đảm bảo.

Từ năm 1997, thực hiện Chương trình đánh bắt cá xa bờ, Nhà nước đã đầu tư 1.300 tỷ đồng đóng 1.292 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, nhưng cho đến nay Chương trình này bị đánh giá là kém hiệu quả. Vấn đề suy giảm đa dạng sinh học khiến cho những loài cá có giá trị kinh tế cao ngày càng trở nên ít ỏi, nguyên nhân một phần do bộ phận nhỏ ngư dân sử dụng những hình thức khai thác hủy diệt như chất nổ, chất độc, xung điện, lưới mắt nhỏ hoặc các nghề có hại như te đẩy, lưới đăng, đáy càng làm cho nguồn lợi trở nên cạn kiệt và khó phục hồi hơn. Ngoài ra các hoạt động đô thị hóa, xây dựng các công trình ven biển, xói lở từ lũ lụt, tố lốc cũng khiến cho ô nhiễm vùng biển ngày càng nặng nề, đã và đang là thách thức rất lớn đến phát triển nghề cá trên vùng biển Việt Nam hiện nay và trong tương lai.

N.L