Nâng tầm trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Thu hút vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đã dần tăng
Phát biểu tại Hội thảo, ông Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Việt Nam đã hình thành và phát triển tương đối nhanh. Sau COVID, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đã dần tăng trưởng trở lại, với 634 triệu USD năm 2022, và đạt 413 triệu USD trong nửa đầu năm 2023. Tuy vậy, có thể khẳng định rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện để tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hình thành và phát triển, nhất là hoàn thiện hành lang pháp lý và các chính sách hỗ trợ; phát triển các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST làm hạt nhân để huy động, khai thác, liên kết và tối ưu hóa các nguồn lực trong hệ sinh thái tại địa phương đến trung ương, từ khu vực tư nhân và cả từ nước ngoài.
Hiện nay, trên cả nước đã hình thành nhiều đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST. Khoảng 20 địa phương đã và đang hình thành các trung tâm, gần 100 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đã và đang hoạt động, nhiều trung tâm khởi nghiệp, ĐMST của quốc tế đã mở chi nhánh hoặc phối hợp mở các không gian ĐMST tại Việt Nam như Block 71 của Singapore tại TPHCM, “Không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng-Seoul” tại Đà Nẵng… Tuy nhiên, các hoạt động này mặc dù đã được bước đầu triển khai, nhưng về tổng thể, còn tương đối rời rạc, chưa đồng bộ, thống nhất.
Đà Nẵng nâng tầm vị thế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, theo đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025, Chính phủ xác định, xây dựng hệ thống trung tâm ĐMST hỗ trợ nghiên cứu phát triển, khởi nghiệp sáng tạo, bảo đảm vận hành thành công các trung tâm với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh so với khu vực và quốc tế, phát triển trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại 3 địa phương Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Qua đó, cho thấy vai trò, vị trí và tầm quan trọng của 3 địa phương trên trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia. Nghị quyết số 43 Bộ Chính trị về việc xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”. Đây là định hướng quan trọng để phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng. TP Đà Nẵng đã cụ thể hóa định hướng đó bằng nhiều cơ chế chính sách, chương trình, kế hoạch tạo cơ sở phát triển hoạt động khởi nghiệp ĐMST. Đà Nẵng cũng đã thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST (trực thuộc Sở KH-CN), đồng thời, phối hợp với Bộ KH-CN triển khai thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng nhằm hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Đà Nẵng nói riêng và cả khu vực miền Trung -Tây Nguyên nói chung, kết nối với hệ sinh thái cả nước và quốc tế.
Đến nay, Đà Nẵng đã hình thành 1 Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST TP; 2 Trung tâm khởi nghiệp thuộc các trường đại học, 9 vườn ươm, 4 không gian sáng tạo, 9 không gian làm việc chung, 4 Quỹ đầu tư khởi nghiệp, các CLB khởi nghiệp ở các trường Đại học, Cao đẳng cùng cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Nhìn chung, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Đà Nẵng ngày càng phát triển, cơ bản đầy đủ các thành tố với các trụ cột chính. Hoạt động khởi nghiệp ĐMST Đà Nẵng cũng đã có các kết quả tích cực và đi vào chiều sâu; cơ sở vật chất kỹ thuật từng bước được đầu tư, hoàn thiện; doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST không ngừng gia tăng về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, năm 2020 và năm 2022, Đà Nẵng đã 2 lần nhận được danh hiệu “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo” do Hiệp hội phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam vinh danh, ghi nhận những đóng góp trong hoạt động khởi nghiệp ĐMST của Đà Nẵng trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia.
Kiến nghị để phát triển bền vững
Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận, đề xuất một số giải pháp để hỗ trợ hoạt động các Trung tâm khởi nghiệp ĐMST trên cả nước. Trong số này, ông Nguyễn Việt Dũng- Giám đốc Sở KH- CN TPHCM, ông Nguyễn Việt Long- Giám đốc Sở KHCN Bình Dương, ông Lê Đức Viên- Giám đốc Sở KH- CN TP Đà Nẵng kiến nghị những vấn đề liên quan đến các chính sách cho trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; xác định rõ vai trò của Nhà nước, chính quyền, Bộ KH-CN trong công cuộc ĐMST; những giải pháp, cơ chế quản lý cũng như gắn kết, kết nối hoạt động ĐMST; mô hình, các yếu tố hình thành một Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; cần bộ chỉ số xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST địa phương mang tính thống nhất cao…
Lê Anh Tuấn