Báo Công An Đà Nẵng

Nâng tầm văn hóa du lịch xứ Quảng...

Thứ hai, 30/05/2022 17:26
Hội An, điểm đến ưa thích của du khách trong và ngoài nước.

Năm nay các hoạt động du lịch được tổ chức trở lại bình thường ở tất cả địa phương, du lịch quốc tế cũng từng bước được khôi phục. Đồng thời có nhiều hoạt động văn hóa- du lịch đặc sắc của sự kiện "Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022' và việc Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang lần đầu tiên mở cửa đón khách từ ngày 29-4 đã góp phần thu hút một lượng du khách đến tham quan và trải nghiệm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Để duy trì nhịp độ đó, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng, cho ra mắt sản phẩm du lịch mới, thì xây dựng, nâng tầm văn hóa du lịch là vấn đề rất quan trọng.

Văn hóa du lịch được tích lũy và sáng tạo bởi bốn chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch, đó là khách du lịch, doanh nghiệp du lịch, chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư nơi diễn ra hoạt động du lịch. Trong 2 năm 2020 - 2021, du lịch Quảng Nam cũng như các địa phương khác trong cả nước chịu không ít tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, với sự nỗ lực triển khai và áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, du lịch Quảng Nam đã từng bước được phục hồi.

Với sự hỗ trợ của UBND tỉnh, các Sở, ban ngành, địa phương cùng các doanh nghiệp du lịch đã nỗ lực nâng cấp các sản phẩm du lịch, dịch vụ hiện có, đồng thời xây dựng sản phẩm du lịch, dịch vụ mới, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu đến các khu, điểm du lịch. Đặc biệt, năm 2021, với việc xây dựng và công bố Bộ tiêu chí du lịch xanh đầu tiên trong cả nước cho thấy khát vọng và quyết tâm rất cao của tỉnh trên hành trình đưa Quảng Nam trở thành một trọng điểm du lịch xanh, hài hòa và bền vững. Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 với chủ đề "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh" thể hiện khát vọng, tầm nhìn, ẩn tàng "chất văn hóa" về phát triển du lịch xanh thân thiện, bền vững.

Tại Hội An - trọng điểm du lịch của tỉnh, chính quyền địa phương luôn chú trọng nâng cao làm phong phú chất lượng và giá trị gia tăng của dịch vụ du lịch, địa phương đặt ra mục tiêu xây dựng hình ảnh con người Hội An đẹp trong lòng du khách. Thành phố đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án quản lý dịch vụ theo hướng phù hợp thực tế, quy định cụ thể những việc được làm, những việc không được làm để quán triệt đến người dân. Vừa qua, UBND TP Hội An đã yêu cầu gỡ bỏ bớt đèn lồng, chong chóng của các thuyền chở khách trên sông Hoài.

Mỗi thuyền chỉ được giữ tối đa 2 đèn, treo ở trước và phía sau thuyền, không cao quá đầu người khi ngồi. Trước việc nhiều cơ sở lưu trú cho khách dùng loa kẹo kéo hát hò gây ô nhiễm tiếng ồn, địa phương đã kịp thời chấn chỉnh. Đồng thời, yêu cầu xã, phường chịu trách nhiệm nếu để cơ sở lưu trú cho khách dùng loa kẹo kéo. Để phát triển du lịch theo định hướng du lịch xanh, du lịch bền vững đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của cơ sở lưu trú đối với vấn đề an ninh trật tự trong khu dân cư, góp phần giữ khách du lịch từ thị trường cao cấp, khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày, UBND TP Hội An yêu cầu các cơ sở lưu trú thông tin đến du khách về chủ trương không sử dụng dàn karaoke lưu động, loa kẹo kéo trong thời gian lưu trú ở cơ sở của mình.

Bài chòi là sản phẩm du lịch độc đáo, quảng bá văn hóa xứ Quảng.

Cùng với Hội An, các khu du lịch, điểm đến ở các địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2022 giàu sắc màu văn hóa. Sự đầu tư công phu cho chương trình nghệ thuật như chương trình "Đêm Mỹ Sơn huyền thoại", "Nét xưa phố Hội", triển lãm ảnh "Thong dong Hội An", "Nơi đàn chim trở về", "Đêm nhạc Trịnh Công Sơn: Hoian d'Or - Nối miền di sản"... không chỉ tạo chất men xúc tác thu hút du khách, còn là thông điệp, sự cam kết của chính quyền sở tại về trách nhiệm xây dựng một môi trường du lịch nhân văn, giàu hàm lượng văn hóa.

Nâng cao ý thức và cùng hành động để xây dựng môi trường văn hóa du lịch, thiết nghĩ các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư nơi có khu, điểm du lịch cần nhận thức tài nguyên mà địa phương đang sở hữu không phải của riêng mình, mà là tài sản chung. Phát huy giá trị tài nguyên du lịch đó dựa vào nền tảng văn hóa chính là một hướng đi bền vững, phù hợp xu thế hiện nay để ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách. Chính quyền địa phương và doanh nghiệp đã đồng hành tạo ra một môi trường du lịch thân thiện, hấp dẫn, giàu tiện ích. Khách du lịch sử dụng sản phẩm du lịch cũng cần phải văn hóa. Cộng đồng dân cư dựa vào du lịch cũng cần phải xây dựng được cốt cách văn hóa trong phục vụ, cung cấp dịch vụ. Bởi du lịch ngày càng đi vào chiều sâu văn hóa, tất cả nhằm phát huy tốt nhất giá trị của các sản phẩm du lịch, vừa đảm bảo sự bền vững của nguồn tài nguyên du lịch.

QUYÊN QUYÊN