Báo Công An Đà Nẵng

"Nàng thơ" bán… mỳ Quảng

Thứ hai, 26/12/2022 13:37
Nhà thơ Huệ Thi chế biến mỳ Quảng.

Quán mỳ Quảng có tên Nàng Thơ tọa lạc trên đường Lý Thái Tổ, P.Hưng Phú, Q.Cái Răng, TP. Cần Thơ. Quán mở cửa từ 6 giờ 30 đến 19 giờ 30 mỗi ngày, rất đông thực khách đến thưởng thức và tìm hiểu về văn hóa ẩm thực xứ Quảng.

Mở quán mỳ Quảng giữa lòng Cần Thơ - thủ phủ miền Tây, là cách để Huệ Thi thỏa nỗi nhớ của mình, thỏa cái tình yêu đối với món ăn đã thấm vào máu thịt. Vì chị sinh ra, lớn lên trong gia đình mấy đời làm mỳ Quảng ở làng Trang Điền, H. Đại Lộc. Mỗi ngày được ăn mỳ Quảng, được ngắm nhìn khói bếp để nhớ lại ngày xưa - tuổi thơ của chị bên góc bếp có bà, có mẹ mà giờ đây đã trở thành ký ức. Từ những tình yêu đó, Huệ Thi muốn giữ gìn bếp lửa gia đình, hương vị mỳ Quảng và niềm tự hào về văn hóa ẩm thực của người xứ Quảng. Lý giải về cái tên của quán, nhà thơ Huệ Thi cho hay, Nàng Thơ gắn liền với công việc đang làm, gắn với niềm đam mê văn chương của chị. "Lấy tên mỳ Quảng Nàng Thơ với ngụ ý rằng, một người đàn bà xứ Quảng làm thơ đang sinh sống tại đất Tây Đô mở ra thương hiệu mỳ Quảng. Đó là mở ra một sự liên kết, trong Quảng Nam có Cần Thơ, và giữa lòng Tây Đô có một âm hưởng gì đó của Quảng Nam" - nhà thơ Huệ Thi trải lòng.

Mỳ Quảng Nàng Thơ là mỳ "Quảng Nam thứ thiệt" vì được chế biến theo cách truyền thống xứ Quảng, tất cả nguyên liệu, gia vị như gạo, dầu phụng, nén, ớt, tiêu, nghệ… được đưa từ Quảng Nam vào. Quán mỳ Quảng Nàng Thơ dùng lá mỳ tráng trực tiếp bằng tay chứ không dùng mỳ làm theo cách công nghiệp. Ông Nguyễn Thành Phát - cha ruột của nhà thơ Huệ Thi từ quê vào phụ giúp tráng mỳ Quảng đúng chuẩn Quảng Nam, cho biết gạo làm mỳ Quảng ở quán mỳ Nàng Thơ là gạo lúa cang - đặc sản ở H.Đại Lộc. Gạo không dẻo, có hàm lượng bột cao. Mỳ tráng xong được thoa dầu phụng phi từ củ nén trước khi thái sợi. "Mỗi giờ tráng được 10 kg mỳ. Khi tráng mỳ bằng tay thì chủ động được độ dày, mỏng của từng lá mỳ. Mỳ cũng chín đều và giữ được hương vị đặc trưng của thứ gạo làm ra mỳ, nhất là công sức và cái tình của người tráng gửi vào trong lá mỳ" - ông Phát nói.

Ngoài các món mỳ Quảng như: mỳ gà, mỳ cá lóc, mỳ lươn, mỳ tôm thịt trứng, mỳ Quảng thập cẩm…, tại Quán Mỳ Quảng Nàng Thơ còn bày bán các món nem tré, mắm cà, bánh nậm, cháo lươn, bánh tráng Đại Lộc… gây "thương nhớ" cho thực khách. Đến đây, ngoài thưởng thức các mòn mỳ Quảng, thực khách còn được trải nghiệm cách tráng bánh, chế biến mỳ, tìm hiểu về văn hóa ẩm thực, đất và người Quảng Nam trên giá sách bày trí bắt mắt. Ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam - trong một lần công tác tại Cần Thơ mới đây, đã ghé đến quán Mỳ Quảng Nàng Thơ để thưởng thức món mỳ Quảng quê hương. Ông Cường chia sẻ: "Tôi sinh ra, lớn lên ở xứ Quảng. Hồi nhỏ tôi đã tráng được lá mỳ và cùng với mẹ làm mỳ Quảng. Nay đến Cần Thơ ăn mỳ Quảng Nàng Thơ lại nhớ quê nhà, cảm thấy hạnh phúc và rất vui. Tôi nghĩ, những người con Quảng Nam xa quê, nếu biết nghiên cứu, tìm tòi ẩm thực của quê hương mình, chế biến thật ngon để giới thiệu cùng với mọi người là điều thú vị".

Mỳ Quảng Nàng Thơ bày biện bắt mắt.

Sau hơn 20 năm xa quê hương, đêm đêm, nỗi nhớ về hương vị, cái mùi mỳ Quảng làm Huệ Thi rơi nước mắt. Chị đã nhiều lần từ Cần Thơ chạy về Sài Gòn ăn tô mỳ Quảng cho đỡ nhớ. Thậm chí, chị đã cố tình sắp xếp lịch để tạt ngang về quê hương Quảng Nam ăn tô mỳ quê xứ. Cái hương vị mỳ Quảng với nhiều người xa xứ không dễ tìm, không phải ở đâu cũng có được. Mở quán mỳ Quảng giữa lòng Tây Đô có gian nan không, Huệ Thi thú thật là có gian nan, vì buôn bán thì phải thức khuya dậy sớm. Tuy nhiên, trong khó khăn được bù lại những nụ cười, những lời cảm ơn của thực khách, của những người đồng hương và của những người miền Tây lần đầu ăn mỳ Quảng… Tất cả những niềm vui đó là động lực để mỗi ngày cố gắng hơn. Đó là lý do để chủ quán Huệ Thi không ngừng cải tiến mỗi ngày, lắng nghe và cố gắng làm sao để giữ được vị chuẩn của mỳ Quảng quê hương, giữ được bản sắc xứ Quảng trong mỳ Quảng "Nàng Thơ". "Mình muốn giữ gìn bản sắc văn hóa ẩm thực truyền thống của xứ Quảng và truyền thống làm mỳ Quảng lâu đời qua nhiều thế hệ của gia đình mình. Đưa mỳ Quảng từ Quảng Nam vào Tây Đô để thực khách của "Nàng Thơ" được thưởng thức tô mỳ chất lượng chuẩn nhất, đảm bảo là mỳ Quảng truyền thống" - nhà thơ Huệ Thi nói.

Huệ Thi là tác giả của các thi phẩm: Khát khao (2015), Bóng quê (2016), Đa đoan (2017), Ngược dòng (2018), Tơ trời (cùng Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2019) và Thăng hoa (Nhà xuất bản Văn hóa văn nghệ - 2020).

* Bên cạnh dấu ấn thơ ca, nhà thơ Huệ Thi còn "lấn sân" sang lĩnh vực thời trang với vai trò là nhà thiết kế, tạo được chú ý với các bộ sưu tập giá trị. Chị được mời tham gia vào chương trình "Festival áo dài Việt Nam" do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ VH-TT&DL tổ chức trong năm 2020. Bộ sưu tập áo dài "Hương sắc miền Tây" của chị đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đam mê thời trang áo dài truyền thống của dân tộc.

Th. Hà