Báo Công An Đà Nẵng

Nạo phá thai trong giới trẻ - SOS! (Kỳ 1: Những bà bầu bất đắc dĩ)

Thứ ba, 16/06/2020 18:00

Tình trạng nạo phá thai, đặc biệt trong giới trẻ hiện vẫn nhức nhối. Các trường hợp phụ nữ mang thai ngoài ý muốn vẫn không thuyên giảm mà ngày càng tăng, tập trung ở đối tượng trẻ vị thành niên. Mặc dù hiện nay có các biện pháp phòng tránh thai hiện đại, tuy nhiên thay vì lựa chọn ngừa thai, nhiều bà mẹ lại chấp nhận “giải quyết” hậu quả.

Cảnh chờ đợi khám thai tại BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng.

Ghi ở phòng khám thai

Theo Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản TP Đà Nẵng, con số thống kê được từ trung tâm y tế các quận huyện và bệnh viện trên địa bàn thành phố, tỷ lệ phá thai chung so với số đẻ là 23,3%. Đáng chú ý, ở đối tượng trẻ vị thành niên mang thai chiếm 0,55% và tỷ lệ phá thai ở đối tượng này chiếm 1,55%. Trên thực tế, con số thống kê các ca nạo, phá thai còn cao hơn nhiều bởi chưa thể tổng hợp hết số lượng ca nạo, phá thai ở các phòng khám tư nhân.

Đến khoa Sản - Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng (Q. Ngũ Hành Sơn) vào một ngày đầu tuần, bên ngoài hành lang các phòng siêu âm, khám thai chật cứng người. Tại đây, mỗi người một hoàn cảnh, có những cặp vợ chồng trẻ đang đếm từng ngày chờ đón đứa con đầu lòng, cũng có những đôi vợ chồng ở độ tuổi ngoài 40 đi chữa bệnh vô sinh đang mong chờ vào một phép mầu. Và cả những ông bố, bà mẹ đau đớn dắt đứa con ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đi nạo, phá thai.

Trên tay cầm tờ giấy khám sản và phiếu chỉ định siêu âm thai, người đàn ông tầm 40 tuổi quay sang hỏi tôi: “giấy này nộp ở đâu vậy?”. Trong khi ngồi chờ nhân viên y tế gọi, ông mở lời: “Tôi ở trong Quảng Nam ra không biết trình tự đi từ phòng nào cả, chị quen đường bày cho tui với”. Đó là hoàn cảnh của ông H.T.N (H. Tiên Phước, Quảng Nam), có cô con gái đầu lòng đang học năm nhất Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Những ngày đầu mới ra thành phố học tập, gặp người đồng hương, cô gái này tin tưởng và đem lòng yêu. Sau đó không lâu, khi biết mình có bầu cũng là lúc cô tá hỏa phát hiện sự thật người đàn ông đó đã có vợ, có con ở quê. Ngồi bên cạnh, anh N.V.A (P. Hòa Thọ Đông, Q. Cẩm Lệ) an ủi: “Thôi anh ạ, biết làm sao, con dại cái mang. Hay để ít tháng cháu sinh xong rồi ông bà nuôi còn cháu xin bảo lưu 1 năm rồi ra đi học lại. Chứ phá thai rồi lỡ sau này vô sinh cũng khổ. Vợ chồng tôi giờ kiếm mụn con mà 10 năm rồi ông trời chưa thương đến”.

Chia tay ông bố có đứa con lỡ dại trong đầu tôi ngổn ngang, cảm giác vừa giận, vừa thương xen lẫn. Giận bởi họ sắp sửa tước bỏ đi cơ hội được sinh ra trên đời của một đứa trẻ vô tội; thương là bởi ở cái tuổi đó, nếu sinh con ra liệu rằng một mình nuôi con, làm mẹ đơn thân họ sẽ vượt qua được chăng?

Tôi đi một vòng khoa Kế hoạch hóa gia đình thuộc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, bắt gặp rất nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn. Bên ngoài cửa các phòng thủ thuật người thì tỏ ra bồn chồn, người thì sốt sắng chờ đợi đến lượt để còn kịp giờ làm việc buổi chiều trên công ty. Cũng có người bước ra từ phòng thủ thuật ai nấy mặt đều tái ngắt, nước mắt giàn giụa không giấu nổi sự sợ hãi khi vừa tước đi mạng sống của một sinh linh.

Ngồi bệt xuống hành lang, cô gái tên N.T.T.T (P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà) giơ cánh tay yếu ớt đấm liên tiếp vào vai người yêu vừa mếu máo trách móc. Những người xung quanh chứng kiến cảnh tượng đó ai cũng ngậm ngùi xót xa. Một lúc sau, cô gái trấn tĩnh, người đàn ông đi xuống căng-tin mua nước. Tôi cùng một vài chị lại gần và động viên, cô gái trải lòng: “Tụi em sống chung 2 năm nay nhưng gia đình anh ấy vẫn không đồng ý cưới. Đây là lần thứ 2 tụi em đi phá thai, anh ấy hứa cuối năm nay sẽ tiết kiệm tiền để tổ chức đám cưới nhưng từ nay đến lúc đó cái bụng ngày càng to nên anh ấy bảo bỏ cuối năm rồi có bầu lại cũng không sao”...

Nhiều cách tránh thai an toàn

Hộ sinh Nguyễn Thị Thúy, làm việc tại khoa Sản - Trung tâm Y tế Q. Sơn Trà chia sẻ: “Ngày nay, có các phương pháp tránh thai như đặt vòng, cấy que, dùng bao cao su... Tuy nhiên thay vì chủ động ngừa thai, một số người lại để mang thai ngoài ý muốn và chấp nhận phá bỏ thai nhi. Tôi đã từng gặp trường hợp phá thai đến lần 2, 3 thậm chí là lần thứ 4, 5 và có thể để lại những ảnh hưởng đối với sức khỏe, tâm lý nặng nề về sau”.

Ngay cả khi thực hiện việc phá thai ở những cơ sở vật chất, nhân sự có chuyên môn vẫn có thể ảnh hưởng. Nếu dùng thuốc sẽ gây ra các tác dụng phụ như đau bụng nhiều, ra máu, sốt, tiêu chảy. Đối với thủ thuật hút thai bằng chân không thì có thể để lại những biến chứng sớm như chảy máu nhiều, gây tổn thương tử cung từ nhẹ đến nặng có thể gây tổn thương niêm mạc. Hậu quả về lâu dài có thể sót nhau, sót thai, biến chứng dính buồng tử cung, nhiễm khuẩn có thể gây vô sinh.

Bác sĩ Trần Nguyễn Thu Thảo - Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản TP Đà Nẵng cho biết: “Tình trạng này đang ngày một tăng do nhiều nguyên nhất. Nguyên nhân đầu tiên và chiếm phần lớn là do thiếu hụt kiến thức về sức khỏe sinh sản, không biết cách phòng tránh. Cùng với đó do hoàn cảnh sống, làm việc không cho phép giữ thai, hoặc bệnh lý thai nhi... Ngoài ra, nhiều người chủ quan nghĩ rằng phá thai đơn giản, chi phí cũng vừa phải, cũng từ đó không chủ động ngừa thai”.

Trong những năm qua, với tốc độ phát triển về kinh tế, giáo dục..., Đà Nẵng thu hút người lao động từ các tỉnh thành làm việc tại các khu công nghiệp như Liên Chiểu, Hòa Khánh, Hòa Cầm... Cùng với đó, các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên địa bàn mỗi năm đón hàng nghìn sinh viên theo học... Để hạn chế tình trạng mang thai ngoài ý muốn, Đà Nẵng cũng triển khai nhiều trung tâm tư vấn miễn phí về sức khỏe sinh sản như tại Đoàn Thanh niên (số 2 đường Yên Bái), Hội Liên hiệp Phụ nữ (số 1 đường Pasteur), Trung tâm Truyền thông GDSK (số 37 đường Pasteur), Trung tâm Tư vấn & DVKHHGĐ (số 276/5 đường Núi Thành). Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn mang tâm lý e ngại, dè dặt khi tới những địa điểm này. Từ đó, thiếu hụt kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản dẫn đến những thực trạng đáng buồn.

(còn nữa)

NGUYỄN LIÊN