Báo Công An Đà Nẵng

NASA gỡ rối

Thứ hai, 21/10/2013 12:58

(Cadn.com.vn) - 10 ngày sau khi gây ra sự phẫn nộ bởi lệnh cấm các nhà khoa học Trung Quốc tham dự Hội nghị Kepler, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) gửi thư nói rằng, họ đã sai.

Tân Hoa Xã ngày 20-10 đưa tin: Các nhà nghiên cứu người Trung Quốc bị cấm cửa đã nhận được thư hồi âm từ ban tổ chức sự kiện để thông báo về quyết định sửa đổi. NASA chính thức mời những nhà khoa học này đến tham dự hội nghị Kepler, bắt đầu diễn ra từ ngày 4 đến 8-11 tới. Hội nghị sẽ thu hút các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới để thảo luận về các kết quả mới nhất về công cuộc săn tìm hành tinh mới của NASA.

Các nhân viên phòng thí nghiệm khoa học (MSL) làm việc tại phòng xử lý dữ liệu
ở Pasadena, California. Ảnh: CNN

VUI LÒNG QUAY TRỞ LẠI

Lệnh cấm không chỉ khiến Trung Quốc phẫn nộ mà còn kích động việc tẩy chay cuộc họp của một số nhà khoa học Mỹ nổi tiếng, trong đó có Giáo sư Debra Fischer của Đại học Yale và Giáo sư Geoff Marcy của Đại học California.

Theo các nguồn tin, sự việc xảy ra do NASA dường như hiểu sai một đạo luật an ninh được Tổng thống Obama ký ban hành vào năm 2011 cùng với một dự luật ngân sách được trình bởi nghị sĩ Frank Wolf. Trong đó có quy định quỹ của NASA không được sử dụng trong các hoạt động hợp tác với Trung Quốc hoặc cho phép du khách Trung Quốc đến các cơ sở của cơ quan này. Charlie Bolden, Giám đốc quản trị viên của NASA ra lệnh xem xét lại tất cả đơn xin tham dự của các nhà khoa học Trung Quốc, mời họ trở lại vì chính phủ đã mở cửa. Ông đổ lỗi việc này do các cấp quản lý cấp trung hành động không đúng quyền hạn. Tuy nhiên, rõ ràng, việc chính phủ Mỹ đóng cửa ảnh hưởng nhiều đến việc xem xét đơn của các thành viên tham gia hội nghị.

Bởi lẽ, khi Trung Quốc chỉ trích lệnh cấm của NASA, gọi đó là “phân biệt đối xử”, NASA không hề có tuyên bố chính thức nào trên trang mạng vì chính phủ đóng cửa. Củng Lợi, một quan chức thuộc Trường Đảng của đảng cộng sản Trung ương Trung Quốc, nói rằng lệnh cấm tương tự như hành động của Mỹ trước đây chống lại Liên Xô cũ trong Chiến tranh Lạnh. Ông nói rằng, đây cũng là minh chứng rõ nét rằng, Mỹ đang rất sợ hãi trước sự phát triển nhanh của Trung Quốc trong lĩnh vực không gian.

Hiện, NASA vẫn chưa có phản ứng gì về thông tin này.

MỐI LO AN NINH?

Nghị sĩ Frank Wolf, người soạn thảo đạo luật gây hiểu lầm trên, thông báo trên trang mạng rằng, ông đang tìm cách đính chính “những thông tin đầu tiên” viết trên báo Guardian của Anh. “Như bạn đã biết, đạo luật chủ yếu hạn chế các cuộc họp song phương, chứ không phải đa phương, với chính phủ Trung Quốc hoặc các Cty Trung Quốc. Nó không hạn chế đối với các hoạt động liên quan đến cá nhân Trung Quốc trừ khi những công dân đang làm đại diện chính thức của chính quyền Bắc Kinh”, ông Wolf khẳng định.

Cũng theo ông Wolf, các quan chức NASA có thể nghĩ rằng, quyết định này là cần thiết vì vấn đề an ninh sau vụ bắt giữ một gián điệp Trung Quốc làm việc tại một cơ sở của NASA hồi tháng 3, vốn làm xôn xao dư luận ở Mỹ và đổ thêm dầu vào mối quan hệ đang rực lửa giữa Trung Quốc và Mỹ. Đó là vụ bắt giữ Jiang Bo, 31 tuổi, làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Langley của NASA ở Hampton, Virginia. Anh này bị bắt tại sân bay quốc tế Washington Dulles khi chuẩn bị về Bắc Kinh. Sau khi kiểm tra, FBI phát hiện ra Jiang Bo giấu một số đồ điện tử, bao gồm một máy tính xách tay, một ổ cứng cũ và một thẻ điện thoại di động. Anh này bị cáo buộc là đã đưa ra lời khai man cho các nhân viên chấp pháp của Mỹ.

Nghị sĩ Wolf cũng cho rằng, Jiang Bo theo dõi và tiếp cận với các tài liệu nhạy cảm, bao gồm cả mã nguồn hình ảnh công nghệ cao được sử dụng trong tên lửa, thiết bị hàng không vũ trụ không người lái và các công nghệ khác mà Bắc Kinh đang rất cần.

Khả Anh