NATO phản đối Ba Lan bắn hạ tên lửa Nga trên lãnh thổ Ukraine
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn ngày 14-7 khi được hỏi về ý tưởng Ba Lan có khả năng bắn hạ tên lửa bay về hướng nước này khi chúng vẫn còn trong không phận Ukraine, ông Stoltenberg nêu rõ: "NATO sẽ hỗ trợ Ukraine, và hiện chúng tôi đã tăng cường hỗ trợ. Nhưng chính sách của NATO vẫn không thay đổi - chúng tôi sẽ không tham gia vào cuộc xung đột này. Chúng tôi sẽ không trở thành một phần của cuộc xung đột. Vì vậy, chúng tôi ủng hộ Ukraine trong việc phá hủy máy bay của Nga, nhưng NATO sẽ không trực tiếp tham gia". Ông Stoltenberg lưu ý rằng "các quốc gia khác nhau đã áp đặt các hạn chế khác nhau đối với việc sử dụng vũ khí mà họ cung cấp cho Ukraine". Đồng thời, Tổng thư ký NATO hoan nghênh việc Nhà Trắng cho phép sử dụng tên lửa của Mỹ để tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Nga gần biên giới với Ukraine tại Kharkov.
Sau khi ký thỏa thuận an ninh với Ukraine vào ngày 8-7, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết nước này sẽ mở một cuộc thảo luận với các đồng minh NATO về khả năng bắn hạ tên lửa và thiết bị bay không người lái của Nga trên lãnh thổ Ukraine. Thủ tướng Tusk tuyên bố rằng Ba Lan sẵn sàng cho một sáng kiến như vậy nhưng ông cho biết, điều này sẽ đòi hỏi sự tham gia và chấp thuận của NATO. Ngày 10-7, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wadysaw Kosiniak-Kamysz tuyên bố nước này sẽ không bắn hạ tên lửa của Nga bay qua Ukraine về hướng Ba Lan trừ khi có quyết định ở cấp NATO. Nhưng đến ngày 13-7, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radosaw Sikorski cho biết Vacsava đang xem xét đề xuất của Kiev rằng các tên lửa của Nga hướng tới lãnh thổ Ba Lan phải bị đánh chặn khi chúng vẫn còn trong không phận Ukraine.
T.N