Báo Công An Đà Nẵng

Nền dân chủ Myanmar đối mặt với tương lai bất định

Thứ tư, 03/02/2021 11:57

Cuộc đảo chính của phe quân đội ngày 1-2 có thể đặt dấu chấm hết cho một nền dân chủ vừa mới chớm nở.

Xe bọc thép quân đội Myanmar chặn con đường dẫn đến tòa nhà quốc hội ở Naypyidaw ngày 2-2. Ảnh: CNN

Khuyến cáo công dân Việt Nam tại Myanmar chú ý an ninh, an toàn

Liên quan đến những diễn biến gần đây tại Myanmar, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar theo dõi sát tình hình, giữ liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại, thường xuyên cập nhật thông tin và sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ công dân khi cần thiết.

Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã chủ động liên hệ với các đầu mối cộng đồng người Việt Nam sở tại, hỏi thăm tình hình bà con, nhắc nhở công dân, doanh nghiệp đảm bảo hoạt động bình thường; công dân Việt Nam hạn chế đi khỏi vùng, khu vực sinh sống, tránh nơi tụ tập đông người, chú ý an ninh, an toàn và đảm bảo sinh hoạt cuộc sống trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Trong trường hợp cần trợ giúp hoặc có thông tin về người Việt Nam gặp nạn, đề nghị liên hệ theo số điện thoại đường dây nóng Bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar là (+95)96.6088.8998; hoặc theo địa chỉ email: baohocongdan123@gmail.com hoặc Tổng đài Bảo hộ công của Bộ Ngoại giao: (+84)981.848.484.

TTXVN

Nền dân chủ non trẻ...

Những cải cách chính trị ở Myanmar trong một thập niên qua mặc dù chậm chạp nhưng vẫn chứa đựng nhiều hy vọng cho một quốc gia vốn đầy rẫy xung đột dân sự - quân sự và xung đột sắc tộc. Các cột mốc đánh dấu quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar bắt đầu với việc thông qua hiến pháp mới vào năm 2008 và cuộc bầu cử Quốc hội vào năm 2010, dẫn đến sự thay đổi chính phủ vào năm 2011. Tuy nhiên, cột mốc đáng chú ý là cuộc bầu cử Quốc hội năm 2015 khi Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử công khai đầu tiên của Myanmar trong vòng 25 năm.

Hiến pháp Myanmar ngăn bà Suu Kyi trở thành tổng thống bởi bà có chồng, con mang quốc tịch nước ngoài, nhưng bà vẫn được coi là nhà lãnh đạo thực tế của Myanmar với chức danh chính thức là cố vấn nhà nước.  Sau khi lên nắm quyền, bà Suu Kyi đã đạt được tiến bộ trong cải cách ở một số lĩnh vực nhưng quân đội vẫn nắm giữ 1/4 số ghế tại Quốc hội và kiểm soát các bộ chủ chốt như Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ Biên giới.

Trước những tiến bộ của Myanmar, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã nới lỏng trừng phạt đối với nước này vào năm 2011 sau khi quân đội bắt đầu “buông lỏng” quyền lực, và đến năm 2016 dỡ bỏ các hạn chế còn lại đối với quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên, năm 2019, chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với 4 tư lệnh quân đội Myanmar, trong đó có Tướng Min Aung Hlain.

Gần đây, giới chuyên gia nhận định quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar dường như đang bị đình trệ. Đại dịch Covid-19 hiện đang diễn biến khá nghiêm trọng ở nước này, làm gia tăng áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã nghèo nàn của đất nước. Những biện pháp phong tỏa tàn phá sinh kế người dân. Dù vậy, độ tín nhiệm của Suu Kyi vẫn ở mức cao. Một cuộc khảo sát năm 2020 cho thấy 79% người dân Myanmar vẫn đặt niềm tin vào bà, tăng từ mức 70% năm 2019.

... trước nguy cơ chết yểu

Myanmar ngày 1-2 đã đón nhận tin tức có thể là dấu chấm hết cho một nền dân chủ vừa mới chớm nở sau khi quân đội bắt giữ Nhà lãnh đạo Suu Kyi cùng nhiều quan chức dân sự cấp cao khác trong đảng cầm quyền đồng thời tuyên bố sẽ lên nắm quyền tại nước này trong 1 năm.

Theo các nhà phân tích, cuộc đảo chính của quân đội ngày 1-2 đưa Myanmar quay lùi gần sáu thập niên, trở lại thời kỳ quân đội nắm chính quyền ở Myanmar từ năm 1962 tới 2010. Cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar có thể dẫn đến các chính sách cấm vận từ các quốc gia phương Tây. Các biện pháp trừng phạt sẽ làm khốn đốn thêm đời sống của dân thường Myanmar, khi tổng số người mắc Covid-19 đã lên tới 140.000 người trong tổng số 54 triệu dân. Có lẽ còn lâu lắm Myanmar mới quay lại đời sống kinh tế - chính trị như cách đây 5 năm, khi bà Suu Kyi trở thành cố vấn nhà nước.

“Đây là một bước thụt lùi lớn, không chỉ đối với nền dân chủ ở Myanmar, mà còn đối với lợi ích của Mỹ. Đó là một lời nhắc nhở khác rằng việc Mỹ không có sự can dự đáng tin cậy và ổn định trong khu vực đã khuyến khích các lực lượng chống dân chủ”, Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ dưới thời cựu tổng thống Obama, nói về động thái bắt giữ Suu Kyi.

Mỹ dọa tái áp đặt trừng phạt Myanmar

Trước tình hình này, một số nước đã lên tiếng kêu gọi quân đội thả những người bị bắt giữ, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ “hành động” nếu tiến trình dân chủ ở Mynamar bị cản trở. Sau đó, quân đội tuyên bố cách chức 24 bộ trưởng và thứ trưởng trong chính quyền của bà Suu Kyi và bổ nhiệm 11 người vào chính quyền mới do quân đội kiểm soát.

Tổng thống Mỹ dọa tái áp đặt trừng phạt các lãnh đạo quân đội Myanmar đồng thời kêu gọi phản ứng phối hợp của quốc tế nhằm gây sức ép để quân đội Myanmar từ bỏ quyền lực. Chính quyền Tổng thống Biden chỉ trích việc quân đội Myanmar tiếp quản quyền lực từ chính phủ dân sự và bắt giữ bà Suu Kyi và các lãnh đạo cấp cao của nước này. Ông Biden gọi đây là “cuộc tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển giao dân chủ và quy tắc pháp luật”.

 “Cộng đồng quốc tế cần phải cùng nhau thống nhất tiếng nói để gây sức ép buộc quân đội Myanmar ngay lập tức từ bỏ quyền lực, thả các quan chức và các nhà hoạt động mà họ đã bắt giữ. Mỹ đã dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar trong thập kỷ qua vì những tiến bộ hướng tới dân chủ. Việc đảo ngược tiến trình này sẽ khiến Mỹ phải xem xét lại các biện pháp trừng phạt và các hành động phù hợp”, ông Biden nói trong một tuyên bố. “Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác trong khu vực cũng như trên thế giới để ủng hộ việc khôi phục nền dân chủ và quy tắc pháp luật, đồng thời buộc những người đảo ngược quá trình chuyển giao dân chủ ở Myanmar phải chịu trách nhiệm”, ông Biden nhấn mạnh thêm.

Tổng thống Mỹ Biden cũng kêu gọi quân đội Myanmar dỡ bỏ tất cả những hạn chế về viễn thông liên lạc, kiềm chế bạo lực đối với dân thường.

AN BÌNH