Nên để thừa kế hay tặng cho sổ đỏ cho con?
*Luật sư Đặng Văn Vương – Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners, trả lời:
Thủ tục sang tên “sổ đỏ” (hay còn gọi là “sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất”) là cách gọi quen thuộc của người dân khi thực hiện việc đăng ký biến động trong các trường hợp chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Theo quy định tại khoản 12 Điều 3 Luật Đất đai 2024, việc tặng cho hay để thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho con cái đều là các hình thức chuyển quyền sử dụng đất, nghĩa là chuyển giao quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở từ cha mẹ sang cho con cái. Để lựa chọn phương thức phù hợp khi sang tên sổ đỏ cho con, trước hết cần phải hiểu rõ bản chất của từng loại hình giao dịch này.
Thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở là gì?
1. Thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở
Thừa kế được hiểu là sự dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại gọi là di sản. Việc thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở được thực hiện thông qua di chúc hợp pháp hoặc theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp bác An chọn phương thức thừa kế để chuyển quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở cho con trai, việc lập di chúc sẽ giúp thể hiện rõ ràng ý chí và mong muốn của người lập di chúc hơn so với việc thực hiện thừa kế theo pháp luật. Khoản 1 Điều 611, Điều 624, Điều 627, Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc sang tên sổ đỏ cho con cái thông qua hình thức để thừa kế bằng di chúc như sau:
Điều 611. Thời điểm, địa điểm mở thừa kế
1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.
Điều 624. Di chúc
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Điều 627. Hình thức của di chúc
Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.
Điều 630. Di chúc hợp pháp
1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Điều 643. Hiệu lực của di chúc
1. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.
Theo các quy định trên, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm định đoạt tài sản của mình cho người khác sau khi qua đời. Hình thức di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Nếu cha mẹ muốn lập di chúc để lại quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho con thì ưu tiên lập di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực để đảm bảo điều kiện hợp pháp của di chúc, hạn chế các tranh chấp phát sinh trong tương lai. Di chúc chỉ có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế, hay nói cách khác, kể từ thời điểm người lập di chúc qua đời. Như vậy, khi lập di chúc để lại quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà cho con thì quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà vẫn là của cha mẹ. Người con được chỉ định thừa kế trong di chúc được quyền hưởng thừa kế và thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ chỉ khi cha mẹ qua đời.
2. Tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở
Tặng cho quyền sử dụng đất là một dạng cụ thể của tặng cho tài sản. Điều 457 và khoản 2 Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất như sau:
Điều 457. Hợp đồng tặng cho tài sản
Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.
Điều 459. Tặng cho bất động sản
1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.
2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.
Căn cứ theo quy định của pháp luật nêu trên, việc tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở được hiểu là việc người sử dụng đất, sở hữu nhà ở chuyển giao quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở của mình cho người khác mà không yêu cầu bất kỳ khoản thanh toán nào và bên nhận tặng cho đồng ý nhận quyền sử dụng đất này. Việc tặng cho quyền sử dụng đất không yêu cầu đền bù, nghĩa là bên chuyển giao quyền sử dụng đất không đòi hỏi bên nhận tặng cho phải hoàn trả bất kỳ lợi ích nào.
Việc tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở phải được lập thành văn bản (Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, công trình gắn liền với đất) có công chứng hoặc chứng thực và phải được thực hiện thủ tục đăng ký biến động.
Tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất có hiệu lực kể từ thời điểm bên nhận tặng cho hoàn tất thủ tục đăng ký đất đai. Như vậy, khác với thừa kế, sang tên sổ đỏ theo hình thức lập hợp đồng tặng cho được thực hiện khi cha mẹ còn sống hoặc đã qua đời.
Một số điểm giống nhau và khác nhau giữa thừa kế và tặng cho
2.1. Điểm giống nhau
a. Điều kiện để tặng cho và để lại thừa kế quyền sử dụng đất cho con cái
Căn cứ khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024, người sử dụng đất được thực hiện quyền tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất ở, nhà ở gắn liền với đất khi có đủ các điều kiện sau:
Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
Đất không có tranh chấp;
Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;
Trong thời hạn sử dụng đất;
Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
b. Miễn thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính, việc tặng cho hoặc thừa kế quyền sử dụng đất giữa cha, mẹ và con cái được miễn thuế thu nhập cá nhân. Bên cạnh đó, đất nhận thừa kế hoặc tặng cho giữa cha, mẹ và con cái cũng thuộc diện miễn lệ phí trước bạ theo quy định tại Điều 10 Nghị định 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ.
2.2. Điểm khác nhau
Để thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở | Tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở |
- Việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở chỉ được thực hiện khi cha mẹ qua đời. | - Việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở có thể được hoàn tất trong thời gian ngắn sau khi ký Hợp đồng tặng cho, cho phép con cái nhận tài sản khi cha mẹ còn sống |
- Khi để lại thừa kế theo di chúc, cha mẹ có thể sửa đổi nội dung hoặc thay di chúc theo mong muốn. Trong trường hợp con không thực hiện đúng nghĩa vụ hoặc bổn phận của người con, cha mẹ có thể thay đổi di chúc, bao gồm việc thay đổi người thừa kế hoặc phần di sản được thừa kế. |
- Sau khi việc tặng cho tài sản có hiệu lực, cha mẹ sẽ mất quyền sử dụng và định đoạt đối với quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đã tặng cho, đồng thời không thể yêu cầu hoàn lại tài sản, trừ trường hợp hợp đồng tặng cho vô hiệu hoặc người con vi phạm các điều kiện đã cam kết trong hợp đồng tặng cho có điều kiện. - Trong trường hợp có nhiều con cái thì việc tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở có thể gây ra những mâu thuẫn, bất hòa không đáng có giữa các thành viên trong gia đình. |
- Có thể xuất hiện người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Để đảm bảo tính nhân văn trong quan hệ thừa kế, Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định những người sau (Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; và Con thành niên mà không có khả năng lao động) vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản. | - Chỉ có người nhận tặng cho trong hợp đồng được quyền nhận tài sản. |
Kết luận
Như vậy, việc để lại thừa kế hay tặng cho quyền sử dụng đất cho con cái đều có những đặc điểm riêng. Việc lựa chọn phương thức nào không nên phụ thuộc vào yếu tố tiện lợi hay chi phí thấp hơn, mà phải dựa vào nguyện vọng và mong muốn thực tế của cha mẹ. Bác An nên cân nhắc các đặc điểm cơ bản của từng phương thức trên để đưa ra quyết định cuối cùng phản ánh đúng ý định và nhu cầu cá nhân của mình.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425