Nền tảng mong manh
(Cadn.com.vn) - Dù chính phủ Syria đã tuyên bố sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình, vốn dự kiến bắt đầu từ ngày 15-4 tới, mà không có điều kiện tiên quyết nào, hy vọng hòa bình thật sự cho quốc gia Trung Đông này xem ra vẫn rất mong manh khi thỏa thuận ngừng bắn mang tính đột phá đang đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Việc các bên cơ bản thực thi lệnh ngừng bắn làm dấy lên hy vọng về một giải pháp cho cuộc xung đột 5 năm đã tàn phá Syria và giết chết hơn 270.000 người. Nhưng mối quan ngại ngày càng tăng do xung đột bạo lực đang có xu hướng gia tăng, tập trung chủ yếu ở tỉnh Aleppo. Chỉ vài ngày trước khi cuộc hòa đàm diễn ra ở Genève, Thụy Sĩ, đã xảy ra giao tranh dữ dội tại nhiều nơi, đặc biệt ở Aleppo. Lực lượng ủng hộ chính phủ hôm 12-4 tuyên bố chuẩn bị giải phóng thị trấn Al-Eis, vốn do nhóm Mặt trận Al-Nusra liên kết với Al-Qaeda nắm quyền kiểm soát. Al-Nusra và các phiến quân đáp trả, giết chết ít nhất 23 người trung thành với chính quyền.
Lo ngại thỏa thuận ngừng bắn "chết yểu" được Iran nhắc tới nhiều lần sau khi tại quốc gia này, Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura đã có cuộc hội đàm với lực lượng ủng hộ chính của Tổng thống Bashar al-Assad. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian nói với ông De Mistura rằng, xung đột gia tăng gần đây là đáng lo ngại và có thể can thiệp vào tiến trình chính trị đang diễn ra.
Mỹ cũng bày tỏ quan ngại tương tự về số phận của thỏa thuận ngừng bắn trước các cuộc đàm phán hòa bình mà De Mistura được gọi là "hết sức quan trọng" sắp tới. Thậm chí, theo các nguồn tin, Washington đã sẵn sàng cho "Kế hoạch B" trường hợp thỏa thuận ngừng bắn tại Syria đổ vỡ. Theo đó, Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và các đối tác trong khu vực chuẩn bị cung cấp vũ khí mạnh hơn cho các phe đối lập ôn hòa ở Syria, nhằm giúp họ tấn công máy bay và vị trí pháo binh của quân chính phủ Syria.
Bàn đàm phán hòa bình ở Genève sắp tới chính là vòng đàm phán lần hai kể từ khi các phe phái nổi dậy và lực lượng chính phủ Tổng thống Assad đồng ý ngừng bắn theo thỏa thuận được Moscow và Washington đứng trung gian, vốn bắt đầu từ ngày 27-2. Nhóm Al-Nusra và IS không nằm trong thỏa thuận ngừng bắn ở Syria, tức là liên quân các nước vẫn có thể tấn công lực lượng này. Nhưng tại một số khu vực, Al-Nusra liên minh với các lực lượng nổi dậy khác để được "hưởng quyền miễn trừ" khi mở các cuộc tấn công ở các khu vực phía đông Aleppo.
Các cuộc đàm phán lần này sẽ tập trung vào các khía cạnh của một lộ trình hòa bình kêu gọi một chính phủ chuyển tiếp, một hiến pháp mới và một cuộc tổng tuyển cử. Bất chấp các cuộc đàm phán, trong ngày 13-4, hơn 7.000 điểm bỏ phiếu mở cửa trên khắp Syria để đón cử tri tham gia cuộc bầu cử Quốc hội tại quốc gia Trung Đông này. Trong cuộc tổng tuyển cử lần này, hơn 3.500 ứng cử viên sẽ chạy đua vào 250 ghế Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều nhóm đối lập tẩy chay cuộc bầu cử này trong khi LHQ cũng kiên quyết không công nhận kết quả bầu cử.
Động thái này đang phủ bóng lên bàn đàm phán sắp tới. Đó là chưa kể, số phận Tổng thống Assad vẫn còn là một trở ngại lớn cho tất cả các bên tham gia. Tất cả mọi diễn biến từ Syria đều cho thấy, mọi nỗ lực ở Genève khó có thể đi đến một kết quả như mong đợi.
Thanh Văn