Báo Công An Đà Nẵng

Nên và không nên!

Thứ ba, 28/04/2015 10:56

(Cadn.com.vn) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên đường đến Mỹ từ hôm 26-4, bắt đầu chuyến thăm cấp cao đến quốc gia đồng minh quan trọng nhất, trong đó điểm nhấn của chuyến công du lần này là việc ông sẽ có bài phát biểu được chờ đợi tại Quốc hội Mỹ vào ngày mai (29-4).

Vấn đề đặt ra là liệu ông Abe sẽ nói gì trước các nghị sĩ lưỡng viện Mỹ sau khi đã gây nhiều thất vọng tại Hội nghị Thượng đỉnh Á-Phi hôm 22-4 tại Indonesia. Tại đây, Thủ tướng Nhật có phát biểu nói về vai trò của Nhật trong Thế chiến II tại các quốc gia Châu Á và điều người ta chờ đợi là ông sẽ đưa ra lời xin lỗi chân thành. Tuy nhiên, ông đã không làm như vậy mà chỉ tuyên bố “hối lỗi chân thành”.

Cấu trúc của bài phát biểu này song song với bài phát biểu mà ông Abe gửi đến Quốc hội Australia khi ông đến thăm Canberra vào tháng 7-2014. Trong cả hai bài phát biểu, ông Abe nói rõ ràng về các chính sách an ninh và đối ngoại của Nhật căn cứ vào sự hối hận của Tokyo với thời quá khứ và nhấn mạnh những nguyên tắc này sẽ không thay đổi. Ông cũng thảo luận trong cả hai bài phát biểu về tầm nhìn cho những cam kết của Nhật với các quốc gia cụ thể mà ông đã đến thăm.

Tại Đồi Capital, nhiều người cho rằng, ông Abe nên nắm lấy cơ hội để thể hiện sự hối hận của Nhật trong những năm gần đây và đưa ra lời xin lỗi được chờ đợi bấy lâu nay. Tuy nhiên, nhiều người khác lại cho rằng, ông Abe không nên làm như vậy - lặp lại những lời xin lỗi của những người tiền nhiệm – ngay tại đất Mỹ - là không cần thiết. Và trên thực tế, theo giới phân tích, nếu muốn xin lỗi, ông Abe đã làm điều này tại Hội nghị Thượng đỉnh Á-Phi vừa qua.

Và vì thế có thể nói rằng, những người chờ đợi ông Abe lặp lại lời xin lỗi chính thức của chính phủ Nhật cho quá khứ thời chiến - như Tuyên bố Kono năm 1993 và Tuyên bố Murayama 1995 - sẽ phải thất vọng. Bởi dựa trên 2 bài phát biểu tại Indonesia và Australia, rất có khả năng, bài phát biểu sắp tới của ông Abe trước Quốc hội Mỹ cũng sẽ có cấu trúc tương tự.

Cụ thể, nó sẽ có 3 phần: một là tuyên bố “hối hận” về hành vi chiến tranh của Nhật trong quá khứ; hai là nói về vai trò của quan hệ Mỹ-Nhật thời hậu chiến trong đó Tokyo rất “yêu chuộng hòa bình”; và ba là tuyên bố về tầm nhìn của Abe cho vai trò tương lai của Nhật trên thế giới. Và từ lâu, ông Abe cho rằng, việc lặp lại lời xin lỗi của những người tiền nhiệm là không cần thiết!

Và Mỹ sẽ rất hoan nghênh một phát biểu như vậy. Một cuộc thăm dò gần đây của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, đa số người dân Mỹ - 61% - cho rằng, Nhật đã lên tiếng xin lỗi đầy đủ và một lời xin lỗi nữa là không còn cần thiết. Đối với ông Abe, chuyến thăm lần này đến Mỹ là  chuyến công du mang nhiều ý nghĩa chiến lược. Tại lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II, thành công của ông Abe trong chuyến thăm lần này mang ý nghĩa xác định di sản chính sách đối ngoại của vị lãnh đạo này.

Rất nhiều sẽ phụ thuộc vào những gì Abe sẽ nói trước Quốc hội Mỹ vào ngày mai (29-4). Vì thế, ông Abe biết điều gì nên nói và không nên nói tại “diễn đàn quan trọng” này.

Thanh Văn