Nepal “ngập” trong bất ổn chính trị triền miên
(Cadn.com.vn) - Thủ tướng Nepal K.P.Oli hôm 24-7 đã từ chức sau 9 tháng đảm nhiệm cương vị này và vài phút trước khi Hạ viện dự kiến bỏ phiếu bất tín nhiệm nhằm vào chính phủ của ông. Các đảng tại Nepal đang giằng co để thành lập chính phủ mới, lần thứ 9 trong 8 năm qua. Những thay đổi thường xuyên trong chính phủ đã cản trở sự phát triển và tăng trưởng kinh tế đất nước. Ngay cả sau khi ban hành Hiến pháp, nền chính trị Nepal vẫn không hề ổn định hơn.
Bất ổn chính trị...
Mới đây lại có một sự thay đổi trong chính phủ. Đảng Nepali Congress (NC) và đảng CPN-MC, vốn là đối tác liên minh chính trong đảng Cộng sản Nepal-Marxist-Leninist thống nhất (CPN-UML) của ông Oli nhưng sau đó gia nhập lực lượng chống chính phủ hiện nay, đã đồng ý quyết định lãnh đạo chính phủ trên cơ sở luân phiên. Theo thỏa thuận, ông Prachanda, lãnh đạo CPN-MC, người trở thành thủ tướng vào năm 2008 và từ chức vào năm 2009 do những bất đồng với quân đội, sẽ trở thành thủ tướng trong 9 tháng. Sau đó, ông sẽ phải bàn giao quyền cho Chủ tịch NC Sher Bahadur Deuba.
Hồi tháng 5, Prachanda và NC quyết định lật đổ chính quyền. Tuy nhiên, ông Prachanda rút quyết định trên vào giờ cuối sau khi ông Oli hứa sẽ giao quyền thủ tướng cho ông Prachanda một khi ngân sách hàng năm được trình bày và được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, sau đó, ông Oli cho biết không có thỏa thuận nào như vậy và từ chối trao quyền Thủ tướng cho ông Prachanda. Điều này khiến CPN-MC – đối tác liên minh chính quyết định rút lui khỏi chính phủ liên minh thống nhất và liên minh với NC để lật đổ chính phủ Oli.
Trong khi đó, NC cũng mâu thuẫn với CPN-UML. Kết quả là, quan hệ giữa đảng lớn nhất và lớn thứ hai trong Quốc hội luôn sóng gió. NC cảm thấy bị cô lập bởi những vị trí chủ chốt như Thủ tướng, Tổng thống và Chủ tịch Quốc hội đều do CPN-UML và CPN-MC nắm giữ.
Thủ tướng Oli (trái) bắt tay ông Prachanda sau khi tuyên bố từ chức tại Quốc hội Nepal hôm 24-7. Ảnh: Diplomat |
... dẫn đến bất ổn xã hội
Trong bối cảnh các đảng phái bận rộn tranh giành quyền lực, các vấn đề quan trọng khác của đất nước bị bỏ qua. Do chính phủ bị thay đổi liên tục, Nepal mất 7 năm để soạn thảo một hiến pháp mới và 6 năm để hoàn thành tiến trình hòa bình. Do tranh giành quyền lực, Hội đồng Lập hiến (CA) được bầu năm 2008 bị giải thể vào năm 2012 mà không đưa ra được bản hiến pháp mới.
Bên cạnh những tổn thất về chính trị, lĩnh vực xã hội và kinh tế của đất nước cũng bị cản trở. Sau khi ban hành hiến pháp mới hồi năm ngoái, nhiều người kỳ vọng, Nepal sẽ bắt tay vào một cuộc hành trình đi đến sự ổn định chính trị, dẫn đến sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. Nhưng những mong đợi này chẳng bao giờ thành hiện thực bởi các đảng phái chính trị vẫn ganh đua quyền lực. Do bất ổn chính trị, tăng trưởng kinh tế hoàn toàn bị đình trệ, nạn thất nghiệp buộc hàng triệu thanh thiếu niên phải ra nước ngoài tìm kiếm việc làm. Theo báo cáo của chính phủ, mỗi ngày có khoảng 1.500 người Nepal rời bỏ đất nước. Bất ổn cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài không muốn đổ tiền vào Nepal.
Cùng với điều này, Nepal vẫn chưa thể chữa lành những vết thương của trận động đất hồi năm ngoái, cướp đi sinh mạng của gần 9.000 người và biến hàng triệu người thành vô gia cư. Mặc dù chính phủ cung cấp tiền để xây dựng nhà ở mới, hầu hết mọi người vẫn chưa nhận được tiền. Người dân vẫn sống trong các nơi trú ẩn tạm thời trong mùa mưa. Cơ sở y tế và giáo dục vẫn chưa được khôi phục. Bên cạnh việc tái thiết, ưu tiên chính của Nepal là thực hiện Hiến pháp mới được thông qua hồi tháng 9-2015, song hầu như không có tiến bộ nào.
Nepal thực sự gặp nguy nếu cuộc tranh giành quyền lực hiện nay vẫn tiếp tục và các đảng không thống nhất về thời gian tổ chức bầu cử. Nếu bầu cử không được tổ chức trong vòng 20 tháng tới, khủng hoảng chính trị chắc chắn xảy ra và Nepal sẽ tiếp tục bất ổn triền miên.
An Bình
(Theo Diplomat)