Nét đẹp những điệu múa Chăm
(Cadn.com.vn) - Hai năm trở lại đây, mỗi tháng Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng lại có hai buổi biểu diễn múa Chăm phục vụ khách du lịch. Đây là một trong những nỗ lực rất lớn của ngành VH-TT&DL thành phố nhằm đa dạng hóa và tăng cường các hoạt động phục vụ khách tham quan.
Chương trình có thời lượng từ 20-30 phút với các tiết mục múa Apsara, múa Vũ hội làng Chăm, độc tấu kèn Sararcu... do các diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn. Anh Trần Ngọc Tuấn- phụ trách nhà Hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết, các điệu múa Chăm được khán giả, đặc biệt là các du khách Châu Âu rất thích. "Ngoài việc biểu diễn ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm, hằng tuần vào tối thứ 4 và thứ 7 chúng tôi đều biển diễn múa Chăm tại Nhà hát.
Chị Phan Thị Huệ hướng dẫn diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh những động tác trong múa Chăm cung đình. |
Mỗi đêm diễn đều thu hút rất nhiều khán giản, đó là một tín hiệu rất tốt"-anh Tuấn chia sẻ. Để biểu diễn được những điệu múa Chăm, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã mời biên đạo múa Như Hà (Ninh Thuận) ra dạy múa cho diễn viên. Hiện các diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chỉ biểu diễn hai tiết mục chính là Pho tượng cổ của Ứng Duy Thịnh và Vũ nữ Apsara của Như Hà. "Việc biên đạo các tiết mục Chăm cung đình rất khó, đòi hỏi phải hiểu biết văn hóa Chăm, tuy nhiên ở Đà Nẵng những biên đạo am hiểu về văn hóa Chăm không nhiều"-chị Phan Thị Huệ, biên đạo múa Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, nói.
Một buổi biểu diễn múa Chăm cung đình tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. |
Hiện ở Đà Nẵng có rất nhiều nhóm múa cung đình Chăm, tuy nhiên những nhóm được đào tạo chuyên nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay còn lại đều là những nhóm tự phát. Tại Đà Nẵng, nó được bảo tồn và phát huy đúng mực, phục vụ tốt cho hoạt động du lịch. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa kho tàng múa độc đáo này, chúng ta cần phải có những định hướng phù hợp để múa Chăm phát triển theo con đường riêng của nó.
Minh Hà