Báo Công An Đà Nẵng

Nét tương đồng của hai anh hùng

Thứ sáu, 24/12/2021 18:21

Cùng sinh ra trên quê hương Hòa Vang (Đà Nẵng), tuổi suýt soát nhau, chiến đấu trong lực lượng đặc công, biệt động và đều được tuyên dương Anh hùng LLVTND năm 1976, đó chính là nét tương đồng của Trung tá Phan Công Kháng và Đại úy Hồ Thị Lý.

Anh hùng LLVTND Phan Công Kháng (trái) với đồng đội đặc công thăm lại chiến trường xưa ở Khánh Hòa.

Anh hùng còn mải trồng bông

Trong căn nhà ở số 10 Lê Duẩn (Đà Nẵng), Anh hùng LLVTND Phan Công Kháng (quê xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) đã phải chiến đấu với nhiều căn bệnh dai dẳng. Ngày trước, cậu bé Kháng dáng dấp nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi và chắc khỏe, đặc biệt là bơi rất giỏi, đã được các chú chỉ huy ở Quảng Đà chọn làm trinh sát ở tuổi 16. Khi Tiểu đoàn đặc công 407 chọn người huấn luyện vào chiến trường thì chàng trai Hòa Vang được chú ý ngay. Huấn luyện đến đâu, thực hành đánh trận đến đó, Tiểu đoàn đặc công 407 đã dần lớn mạnh và chính thức có mặt ở Tây Nguyên khi Mỹ rải quân tại đây. Lệ Thanh, Đức Cơ, Pleiku, An Khê..., những trận đánh xuất quỷ nhập thần của trung đội trưởng Phan Công Kháng và đồng đội đã khiến kẻ thù ăn không ngon, ngủ không yên.

Cuối năm 1968, theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh quân khu 5, Tiểu đoàn hành quân vào đánh quân cảng Cam Ranh. Đây là căn cứ lớn nhất mà Mỹ tập trung nhiều vũ khí cung cấp cho chiến tranh ở Việt Nam. Rèn thể lực cho những đợt đánh lớn, đơn vị huấn luyện gắt gao ở huyện Khánh Sơn. Chiến sĩ phải chịu lạnh khi ngâm nhiều giờ dưới nước. Từ 2 giờ sáng hàng ngày, tất cả luyện bơi đến 5 tiếng đồng hồ với vũ khí mang theo xấp xỉ 15kg. Chuẩn bị đánh Cam Ranh, Phan Công Kháng lúc này là đại trưởng đại đội 2 dẫn trinh sát đi điều nghiên nhiều đợt, bám sát địa bàn, theo dõi, nắm chắc từng vị trí tác chiến sau đó về lại đơn vị tập cho chiến sĩ trên sa bàn và thao trường.

Quân cảng Cam Ranh được địch bảo vệ gắt gao vòng ngoài, nhất là khu vực biển bao quanh. Ngoài lính canh còn có đàn chó bec-giê thường xuyên lùng sục. Trước đây các chiến sĩ thường xuất phát từ quốc lộ 1, bơi chính diện chừng 5 tiếng thì ra bán đảo. Sau này, địch phát hiện, đơn vị không còn cách nào khác là phải bơi vòng với chiều dài khoảng 6km nước chảy xiết. Trước các trận đánh, từ chập tối, đại đội trưởng Kháng phụ trách một trung đội đặc công 15 người tập kết ở phía núi tỉnh Ninh Thuận từ đó bơi đến tầm 3 giờ sáng thì đến đảo Bình Ba. Tất cả trú trong hang đá suốt cả ngày, chờ đêm đến tiếp tục bơi qua Cam Ranh. Lương thực mang theo là bột bắp rang giã nhỏ vừa gọn nhẹ vừa để lâu dài, nước ngọt bỏ vào ruột xe đạp quấn quanh người. Lại một hành trình mới trên biển đêm với 7 giờ bơi thì đến Cam Ranh. Lại ẩn nấp dưới những nỗng cát hay bụi cây dại um tùm ở bờ biển chờ bóng tối buông xuống mới hành động. Mối nguy hiểm chực chờ khi nhiều lần suýt đụng độ lực lượng địch đi tuần tra chỉ cách vài mét. Sau khi vượt biển, Phan Công Kháng và đồng đội lợi dụng sơ hở của địch, cắt rào, tiếp cận các kho xăng, đạn dược, đánh theo cuốn chiếu từ trong đánh ra. Thủ pháo được đặt hẹn giờ ba chế độ theo thời gian rút lui và mục tiêu xa hoặc gần. Có trường hợp, anh em công kênh nhau, đặt bộc phá ngay trên đầu đạn quả bom khổng lồ. Nhiều lần đột nhập đánh quân cảng với các trận Lỗ Đất, Quảng Cơ, Núi Ké, Suối Mốc, Ô Vũ... từ đầu 1969 đến 1972, Tiểu đoàn đặc công 407 đã khiến địch kinh hoàng khiếp vía.

Tháng 1-1976, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ký quyết định phong tặng Anh hùng LLVTND cho ông Phan Công Kháng. Điều thú vị là nhân vật chính không hề biết mình được nhận danh hiệu cao quý. Lúc này, ông cùng Tiểu đoàn được giao nhiệm vụ trồng bông ở Thuận Hải. Một buổi chiều, cán bộ và chiến sĩ ông phụ trách thông báo là nghe trên radio tin Tiểu đoàn phó của mình được phong anh hùng. Họ xúm lại tung hứng ông lên xuống cứ như nhồi một quả dưa. Vậy thôi, không quá bận tâm danh hiệu, ông cùng đơn vị làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Đến năm1980 khi nghỉ phép, Phan Công Kháng về quê thăm cha mẹ. Bất ngờ, cha ông lấy chiếc ống tre đã khô giắt trên mái bếp xuống và nói: “Sau giải phóng hơn một năm, có hai cậu bộ đội làm chính sách đến đưa tờ giấy này. Cha không biết chữ nên cất luôn từ đó đến nay”.

Anh hùng LLVTND Hồ Thị Lý (ngoài cùng bên phải) cùng các tướng lĩnh và anh hùng Quân khu 5.

Chuyện cô bé Muối chăn trâu

Với Anh hùng LLVTND Hồ Thị Lý, nguyên Quận đội phó Quận 3, quê Hòa Đa (Hòa Vang) nay là Hòa Xuân (Cẩm Lệ), máu biệt động có lẽ thấm vào bà từ hồi còn con nít. Chưa hết tuổi nhi đồng, Muối (tên “cúng cơm” của bà Hồ Thị Lý) đã phải đi chăn trâu cho người trong làng. Cha là cơ sở cách mạng trong chống Pháp, sau năm 1954, bị chế ngộ Ngô Đình Diệm bắt, tra tấn đến bệnh rồi chết. Thương cha vô cùng nhưng cô bé không hiểu vì sao cha mình qua đời cho đến khi được ông Hồ Sâm, Bí thư chi bộ xã giác ngộ điều đó. Cô cũng không hiểu vì sao, ông Sâm lại chọn mình. Trước khi biết ông Hồ Sâm là phía cách mạng, cô chỉ biết ông là người chăn vịt. Nhiệm vụ cô làm thật đơn giản, đó là vài bữa một lần đến nhà ông Sâm, rồi mang tờ giấy bé xíu mà ông cuộn lại rất kỹ bảo mang đến cho bà Chín Hý, dặn đến lấy trứng. Từ mờ sớm, giao trâu cho người cày bừa, nắng cũng như mưa, cô bé Muối lội mấy cánh đồng để đến địa chỉ cần gặp. Tiểu đoàn 51 của địch đóng ở thôn, Muối lân la ra làm quen, nhổ tóc sâu, gãi lưng cho đến khi chúng ngủ lăn, lấy lai rai hàng chục quả lựu đạn đem về cho phía mình. Đi phụ hồ cùng người anh ở sân bay Đà Nẵng, Muối lân la quan sát, nhớ kỹ về kể cho ông Hồ Sâm nghe về cách bố trí lực lượng địch.

Đến tuổi dậy thì, cô bé Lý trổ mã. Mái tóc đen nhánh, dài quá lưng; nụ cười tươi giòn, hàm răng trắng muốt. Cơ sở giao cô công tác mới đó là lên núi học trường đặc công và trở thành biệt động thành Đà Nẵng. Cô vào câu lạc bộ của Mỹ và lấy lòng chúng rất nhanh, từ đó nắm tin tức biết đường đi lối lại. Từ đầu năm 1968 đến cuối năm 1969, Hồ Thị Lý không nhớ hết mình đã đánh bao nhiêu trận, tham gia, hay trực tiếp chỉ huy. Chỉ nhớ được ba lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Nhớ nhất là trận đánh ngày 22-11-1969, địch tập trung xe tăng ở đầu cầu Trịnh Minh Thế để chuẩn bị đi càn quét, Hồ Thị Lý bí mật đặt mìn và một gói truyền đơn vào giữa bãi xe. Mìn nổ, một số xe bốc cháy, truyền đơn bay khắp bãi. Cuối năm 1969, Hồ Thị Lý bị bắt, nhưng đã kịp phi tang tài liệu, địch tra tấn đủ kiểu nhưng vẫn không làm lung lay nữ quận đội phó trung kiên. Trong tù, bà cùng các đồng chí của mình tổ chức 36 lần đấu tranh chính trị. Ra tù, năm 1973, bà tiếp tục hoạt động trong quân đội cho đến khi về hưu.

Vâng, hai người anh hùng tham gia cách mạng từ thuở thiếu niên ấy, nay ở tuổi thất thập họ vẫn sống xứng đáng với quá khứ huy hoàng...

P.V