Nét xưa qua những giếng làng Chợ Chùa Tam Quang
Giếng Om
Nằm ở vị trí trung tâm làng Xuân Trung, miệng giếng tròn to có độ sâu hơn so với những chiếc giếng còn lại trong làng. Hai bên thành giếng còn hằn in rõ những đường mòn có độ lõm 30 đến 40 cm từ trên miệng giếng xuống ngang mặt nước. Vết lõm sâu này là do quá trình cọ xát lâu ngày của chiếc gàu nước kéo lên thả xuống. Giếng không kè đá mà được đào xuyên qua lớp đất đỏ đá ong, miệng giếng tròn thấp. Để đề phòng tai nạn dân làng đã xây thành bao quanh từ những năm 60 của thế kỷ trước.
Theo cụ Phạm Rân (80 tuổi ) - người địa phương, giếng Om đã có từ lâu lắm, không ai nhớ rõ nó được đào vào năm nào. Từ khi còn nhỏ ông đã nghe ông nội kể chuyện về chiếc giếng Om này. Giải thích vì sao có tên gọi là giếng Om, ông cho biết, theo người xưa kể lại thì sau khi đào giếng mạch nguồn nơi đây rất tốt, nước mùa nào cũng đầy, cả làng về đây múc nước để sinh hoạt. Ngày xưa, muốn lấy nước người dân phải dùng gàu làm từ chiếc mo cau. Muốn gàu đầy nước, người múc phải vục gàu liên tục, trong quá trình đó làm mặt nước dao động va chạm vào thành đáy giếng lâu ngày tạo thành một cái hờm bao quanh đáy giếng, nhìn từ trên xuống trông giống hình một chiếc om (niêu đất, nồi đồng. Ngày xưa dùng để nấu cơm kho cá “ngon như cơm nấu bằng om”). Một số người già trong làng thì lại cho rằng, giếng Om là do trời ban tặng.
Giếng Om hiện nay vẫn được người dân quanh vùng bảo quản và sử dụng.
Giếng vuông đá xanh
Giếng khá độc đáo và lạ, được nằm trong vườn nhà thờ họ Ngô làng An Tây. Giếng được xây theo kiểu lắp ghép bằng những tảng đá xanh phẳng lì từ trên xuống. Khác với những giếng đá xanh khác, nó được tạo bởi những tấm đá xanh to bảng mặt phẳng, mỗi tấm đá có kích thước 80 cm X 40 cm. Giếng ghép theo hình vuông gồm 4 vách, mỗi vách tường gồm 8 tấm phiến đá xanh chồng lên nhau. Riêng thành giếng được ghép 4 tấm đá lớn hơn, kích thước mỗi tấm 80 cm x 80cm dày 5 cm, cùng với 4 trụ đá mỗi trụ cao 1m và 4 thanh đá dài làm đà kiền. Tất cả tạo nên thành giếng cao ngang ngực vững chắc. Bốn trụ đá quanh thành giếng được khắc núm hoa văn trên đầu, thoạt nhìn từ xa giếng như một cái triện ấn. Nền giếng được lát bằng những phiến đá xanh dài. Tính từ trên xuống giếng có độ sâu 4 mét. Bên cạnh giếng còn lưu giữ chiếc bồn tắm trẻ con được tạo bởi đá nguyên khối Non Nước màu trắng ngà. Ông Ngô Tào (65 tuổi) cho biết, giếng được xây từ thời ông cố của ông là Ngô Quang Huấn khoảng đầu thể kỷ XIX. Những tấm đá xanh mài này được mua từ Non Nước vận chuyển trên những chiếc ghe bầu theo đường biển về đây. Bà Tám Ngoạt, chủ nhân của chiếc giếng này chia sẻ: “Đây là kỷ vật của ông bà để lại, tôi và con cháu có trách nhiệm gìn giữ, chăm non. Chiếc giếng không những là nơi cung cấp nước uống hằng ngày mà còn để gợi nhớ về ông bà tổ tiên đối với con cháu. Từ xưa nay nước vẫn trong và mát ”. Bà Ngoạt cho biết thêm, đã có nhiều người đến ngỏ lời mua lại chiếc giếng và cái bồn tắm trẻ con cũng như các miếng đá xanh về mài dao nhưng bà không bán.
Giếng khá độc đáo, lạ lẫm từ trên xuống đều bằng đá xanh khổ to, mặt cắt phẳng lắp ghép bằng các mộng âm dương mà nên. Điều đáng mừng bởi người dân làng Chợ Chùa đến nay vẫn còn sử dụng nguồn nước của các chiếc giếng này, hàng năm họ tu sửa nạo vét như lưu giữ nét đẹp từ xa xưa cho quê xứ của mình.
Bóng dáng và vết tích còn lại của những chiếc giếng cổ giúp chúng ta gợi nhớ về làng mạc xưa. Gìn giữ, tôn tạo giếng làng đồng nghĩa gìn giữ và lưu mãi dòng chảy mạch nguồn nét đẹp văn hóa truyền thống. Giếng nước không những là nơi cung cấp nguồn nước trong mát mà còn là di sản của cha ông đã để lại cho đời sau. Thiết nghĩ việc gìn giữ và lưu truyền những chiếc giếng cổ ở Tam Quang là trách nhiệm không của riêng ai ở xứ Chợ Chùa.
Lê Văn Vinh