Báo Công An Đà Nẵng

ĐẠO DIỄN, NSND LÊ HỒNG CHƯƠNG:

Nếu tỉnh táo quá sẽ mất đi cảm xúc...

Thứ bảy, 21/01/2023 21:15

PV: Thưa đạo diễn, trước khi nói đến vấn đề khó nhất của phim tài liệu, xin bắt đầu từ điều ngược lại là gì? Điểm xuất phát ấy.

Đạo diễn, NSND Lê Hồng Chương: Trước hết vẫn là phải đi tìm đề tài. Tại sao là đề tài này mà không phải đề tài kia. Người làm phim tài liệu ngoài vốn sống thì phải luôn có một thói quen là tìm hiểu cuộc sống thông qua các kênh thông tin đại chúng, để phát hiện đề tài. Những ý tưởng làm phim nhiều khi lại được bắt đầu từ những bài báo nhỏ.

Còn cơ duyên? Cơ duyên đã đến khi tôi đọc được bài phóng sự của một nhà báo có nhân vật là cô giáo Lương Thị Mùi lớn lên trong trại phong Quỳnh Lập tình nguyện vào dạy chữ cho trẻ em ở bản Phá Đáy, xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Nhân vật này trở thành nhân vật chính của phim tài liệu “Thang đá ngược ngàn”.

PV: Có thể nói những phim tài liệu như “Thang đá ngược ngàn”, “Còn lại với thời gian” hay “ Ký ức Trường Sơn”... là những tác phẩm về những nhân vật bình dị, đời thường nhưng họ khác thường bởi nghị lực và sự khao khát vươn lên...

Đạo diễn, NSND Lê Hồng Chương: Đúng vậy và hơn thế bởi đó chính là vẻ đẹp nhân văn của một con người. Vẻ đẹp ấy được tỏa sáng giữa bình dị đời thường. Chất đời và chất phim tài liệu cũng ở đó. Quan điểm làm nghề của tôi là phải luôn bám sát cuộc sống, tránh những đề tài và cách khai thác giống nhau. Người làm phim nên đi, nên nhìn cuộc sống theo cách của mình. Điều quan trọng nhất ở một bộ phim là “nó có thể khiến người xem xúc động”. Và một điều không thể khác hơn trong lao động nghệ thuật và với phim tài liệu phải tìm được những hình ảnh, chi tiết chắt lọc để truyền đến khán giả những cung bậc cảm xúc khác nhau.

Tôi ví dụ “Thang đá ngược ngàn” gây xúc động đến ám ảnh với hình ảnh cô giáo trẻ vượt qua những bậc đá cheo leo để mang cái chữ đến cho con trẻ. Trong khi đó, “Còn lại với thời gian” lắng đọng nghẹn ngào hình ảnh người mẹ già ngồi chờ con nơi sân ga khi chiến tranh đã qua đi cả thập kỷ...

PV: Thưa đạo diễn, công việc của một đạo diễn phim tài liệu khác với một đạo diễn phim truyện như thế nào?

Đạo diễn, NSND Lê Hồng Chương: Cũng đã có người đặt câu hỏi này với tôi. Về nguyên tắc thì công việc của đạo diễn phim tài liệu và đạo diễn phim truyện là giống nhau, là bao giờ cũng phải dựa trên ý tưởng văn học và đều phải có khả năng điều khiển cả ê-kíp làm phim của mình. Nhưng có một điểm khác cơ bản là, đạo diễn phim tài liệu thì không điều khiển một dàn diễn viên, mà chính xác là anh ta điều khiển cuộc sống. Bởi tính chất người thật việc thật của phim tài liệu buộc đạo diễn phải là người đưa các nhân vật của mình vào trong những hoàn cảnh cụ thể để họ bộc lộ tính cách của mình. Và câu chuyện sẽ được kể ra… Bản thân hai chữ “tài liệu” đã cho ta thấy nguyên tắc của một bộ phim tài liệu là tôn trọng tối đa hiện thực cuộc sống.

PV: Vậy cái khó nhất trong công việc của đạo diễn phim tài liệu hay nói khái quát hơn cái khó nhất để làm bộ phim tài liệu thành công là gì?

Đạo diễn, NSND Lê Hồng Chương: Tôi nghĩ cái khó nhất của phim tài liệu mà một đạo diễn phải đối mặt là thể loại tài liệu không cho phép có được những khả năng giàu có như phim truyện để bộc lộ cảm xúc và khắc họa tính cách nhân vật. Một người đạo diễn phim tài liệu không tạo ra hiện thực, anh ta chỉ có ý tưởng, và sử dụng hiện thực cuộc sống như là những chất liệu để xây nên một ngôi nhà theo sự tưởng tượng của riêng mình. Ý tưởng là xương cốt của vấn đề. Nhưng có được xương cốt đã khó rồi, tạo ra hình hài của ngôi nhà càng khó hơn. Một ý tưởng tốt mà không có chất liệu tốt thì chúng ta cũng không thể có được một bộ phim tài liệu hay. Nhiều bộ phim tài liệu được người đạo diễn ấp ủ hàng chục năm trời. Anh ta phải chuẩn bị tư liệu, tìm hiểu cuộc sống, tìm hiểu về vấn đề mình định đề cập tới một cách sâu sắc, kỹ lưỡng.

PV: Ví dụ về phim tài liệu “Còn lại với thời gian”, điều thành công lớn nhất ở đây là gì theo đạo diễn?

Đạo diễn, NSND Lê Hồng Chương: Rõ ràng chúng ta không thể nói hết về sự hy sinh của cả một thế hệ ra đi cứu nước, trong một thời lượng phim rất ngắn. Đụng vào một vấn đề quá lớn, nếu ta quá tham lam, muốn nói tất cả có nghĩa là sẽ không nói được gì. Vì vậy tôi quyết định chọn lấy một góc tiếp cận riêng. Tôi quan tâm đến các thân phận cá nhân và suy tư của từng con người cụ thể, qua những lá thư họ viết cho những người thân yêu. Như một lát cắt mỏng để người xem thấy được vẻ đẹp tâm hồn của những con người một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/mà lòng phơi phới dậy tương lai…

PV: Là loại hình nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo và cảm xúc. Đặc biệt con đường đi của riêng mỗi người làm phim… NSND muốn gửi gắm điều gì từ chặng đường nhiều năm làm phim tài liệu của mình?

Đạo diễn, NSND Lê Hồng Chương: Thực ra mà nói thì làm phim tài liệu, cũng như các thể loại điện ảnh hay nghệ thuật khác cả như làm thơ... sẽ không hạn chế sự bay bổng, óc tưởng tượng của người sáng tạo. Không có một thứ luật nhất định nào bắt buộc người làm phim phải tuân theo, nhưng anh phải luôn biết đi theo logic của vấn đề. Sự nhạy cảm ấy, mỗi đạo diễn phải có và phải tìm ra một con đường mang dấu ấn của riêng mình. Chỉ có điều, với đặc trưng của phim tài liệu là luôn bám vào hiện thực, tôn trọng hiện thực, nên đạo diễn cần có sự tỉnh táo nhất định để có được sự chọn lựa các chi tiết cần thiết phục vụ cho tác phẩm của mình. Tuy nhiên, nếu tỉnh táo quá sẽ mất đi xúc cảm. Vấn đề là phải cân bằng được các yếu tố ấy, như một người đi trên dây vậy.

PV: Trân trọng cảm ơn đạo diễn, NSND Lê Hồng Chương đã chia sẻ...

VÕ VĂN TRƯỜNG