Báo Công An Đà Nẵng

New Zealand cấm bán súng trường tấn công và bán tự động

Thứ sáu, 22/03/2019 13:24

Quyết định nhanh chóng từ New Zealand làm bùng nổ những tranh cãi về kiểm soát súng đạn ở Mỹ,  quốc gia có tỷ lệ bạo lực súng đạn lớn nhất thế giới. Các chính trị gia nước này mạnh mẽ kêu gọi Nhà Trắng nỗ lực hơn nữa trong việc kiểm soát súng đạn.

Người dân và học sinh địa phương rời khỏi nghĩa trang thành phố Christchurch sau đám tang của các nạn nhân vụ xả súng ở New Zealand.   Ảnh: AFP

Ngày 21-3, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã ban hành lệnh cấm việc bán các loại súng trường tấn công và súng trường bán tự động, nhằm phản ứng sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở thành phố Christchurch hôm 15-3 khiến 50 người thiệt mạng. Lệnh cấm này có hiệu lực ngay lập tức.

Phản ứng nhanh nhạy

Quyết định được hoan nghênh của Thủ tướng Ardern được đưa ra sau khi nước này chứng kiến vụ xả súng hàng loạt kinh hoàng tại 2 nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, khiến hơn 50 người thiệt mạng.

Một đối tượng mặc quân phục mang theo khẩu súng tự động đã nã đạn vào đền thờ Masjid Al Noor trong lễ cầu nguyện buổi chiều 15-3. Một vụ xả súng khác xảy ra tại đền thờ ở Linwood Masjid. Đã có những tranh cãi bùng nổ sau loạt tấn công này, trong đó giới chính khách tập trung chỉ trích luật kiểm soát súng lỏng lẻo của New Zealand. “Tôi tuyên bố New Zealand sẽ cấm toàn bộ vũ khí bán tự động kiểu quân sự. Chúng tôi cũng sẽ cấm tất cả các loại súng trường tấn công”, Thủ tướng Ardern nêu rõ khi tuyên bố về quyết định này, trong một phản ứng đáp lại những chỉ trích.

Ngoài ra, bà Ardern cũng công bố các biện pháp tạm thời nhằm chấm dứt ngay việc mua vũ khí ồ ạt trước khi đạo luật mới liên quan tới các biện pháp này có hiệu lực. Theo Thủ tướng Ardern, ổ đạn công suất cao và các thiết bị nhằm tăng tốc độ hỏa lực cũng sẽ bị cấm. Bà nói: “Tóm lại, mọi vũ khí bán tự động được sử dụng trong vụ tấn công khủng bố hôm 15-3 sẽ bị cấm trên toàn lãnh thổ đất nước”.

Giới chức Mỹ nói gì?

Quyết định nhanh chóng từ New Zealand làm bùng nổ những tranh cãi về kiểm soát súng đạn ở Mỹ, quốc gia có tỷ lệ bạo lực súng đạn lớn nhất thế giới. Các chính trị gia hàng đầu nước này mạnh mẽ kêu gọi chính phủ nỗ lực hơn nữa trong việc kiểm soát súng đạn.

“Đây là hành động thực tế để ngăn chặn bạo lực súng đạn”, Thượng nghị sĩ Dân chủ Mỹ và ứng viên tổng thống tiềm năng Bernie Sanders viết trên Twitter sau quyết định của Thủ tướng New Zealand. Theo ông, “Mỹ phải theo sự dẫn dắt của New Zealand, buộc NRA (Hiệp hội Súng trường Quốc gia) cấm bán và phân phối vũ khí tấn công”.

Nữ nghị sĩ của đảng Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez đã so sánh hành động nhanh chóng của Thủ tướng Ardern với việc Mỹ không ban hành các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ sau các vụ xả súng kinh hoàng như ở Trường tiểu học Sandy Hook ở Connecticut năm 2012, trong đó 20 trẻ em và 6 nhân viên trường học đã bị sát hại. “Sandy Hook đã xảy ra 7 năm trước và chúng tôi thậm chí không thể khiến Thượng viện tổ chức bỏ phiếu về vấn đề đơn giản là kiểm tra lý lịch người mua súng. Christchurch đã rúng động, và trong vài ngày, New Zealand đã hành động để đưa vũ khí chiến tranh ra khỏi thị trường tiêu dùng”, bà Ocasio-Cortez viết trên Twitter.

Sau vụ xả súng năm 2012 ở Newtown, 21 bang đã thông qua luật súng mới, nhưng một số luật đã vấp phải rào cản khác - hệ thống tư pháp của Mỹ. Đây là vấn đề “xưa như trái đất” ở Mỹ. Nó từng được bàn lên bàn xuống trong những năm gần đây, sau các vụ bạo lực súng. Tuy nhiên, kết quả dường như đều là con số không. Vấn đề lớn hơn nữa nằm ở NRA, một trong những nhóm lợi ích có ảnh hưởng nhất trong chính trị Mỹ - không chỉ vì số tiền mà họ dành cho vận động hành lang, mà còn vì sự tham gia của 5 triệu thành viên. Tổ chức này phản đối hầu hết các đề xuất tăng cường các quy định về kiểm soát vũ khí và đang đứng sau nỗ lực ở cả cấp liên bang và tiểu bang để đẩy lùi nhiều hạn chế hiện có về quyền sở hữu súng.

Mới đây, sau vụ nổ súng kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ ở Las Vegas, những người ủng hộ kiểm soát súng đang nỗ lực làm mới lại lời kêu gọi thắt chặt các quy định về vũ khí. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều trở ngại và Tổng thống Donald Trump cũng chưa có bước đi nào cho thấy nỗ lực kiểm soát súng đạn ở Mỹ.

KHẢ ANH