Nga - Áo lình xình quanh cáo buộc gián điệp
Tờ Kronen Zeitung của Áo đưa tin về một cuộc điều tra đang diễn ra nhằm vào một đại tá về hưu 70 tuổi, người được cho là chuyển thông tin về cuộc khủng hoảng di cư, máy bay quân sự Áo và các hệ thống pháo binh cho các cơ quan tình báo quân đội Nga từ cuối những năm 1990.
Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl gây tranh cãi khi bà mời và nhảy cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin tại đám cưới của mình hồi tháng 8. Ảnh: AFP |
Tranh cãi đã bùng lên giữa chính phủ Áo và Nga sau khi Vienne cáo buộc một sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu của họ làm gián điệp cho Moscow trong hàng chục năm qua.
Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl, người khiêu vũ với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại lễ cưới của mình vào tháng 8, đã triệu đại sứ Nga đến và hủy chuyến thăm sắp tới đến nước này để phản đối vụ việc.
Hoạt động gián điệp từ những năm 1990
Trong tuyên bố đưa ra hôm 9-11, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz xác nhận, đã nghi ngờ một cựu sĩ quan quân đội của nước này làm gián điệp cho Nga.
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Kurz cho biết, vụ việc liên quan đến một đại tá, người được cho là thực hiện hoạt động gián điệp từ những năm 1990 cho đến tận năm 2018. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Áo không nêu tên sĩ quan này. “Nếu được xác minh, những vụ việc như vậy, bất kể chúng xảy ra ở Hà Lan hay ở Áo, đều không cải thiện quan hệ giữa Nga với Liên minh Châu Âu (EU)”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Áo, Mario Kunasek, cho biết, vụ việc được đưa ra ánh sáng “một vài tuần trước” và đó là thông tin từ một cơ quan tình báo Châu Âu khác. Ông nói rằng, vị cựu sĩ quan trên đã bàn giao các “thiết bị kỹ thuật” bao gồm cả máy tính xách tay của ông để phục vụ việc kiểm tra. Cũng theo vị bộ trưởng, vụ việc này cho thấy, “ngay cả sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, các hoạt động gián điệp vẫn tiếp tục và chúng ta cần thiết phải thắt chặt mạng lưới an ninh hơn nữa”.
Tờ Kronen Zeitung của Áo cũng nói về một cuộc điều tra đang diễn ra nhằm vào một đại tá về hưu 70 tuổi ở thành phố Salzburg. Theo tờ báo, đó chính là người được cho là chuyển thông tin về cuộc khủng hoảng di cư, máy bay quân sự Áo và các hệ thống pháo binh cho các cơ quan tình báo quân đội Nga từ cuối những năm 1990. Và sĩ quan này nhận khoảng 300.000 EUR từ hoạt động này. Nếu bị buộc tội, đối tượng này có thể đối mặt 2 năm tù giam.
Nga bác bỏ
Nga thường xuyên hứng chịu những cáo buộc gián điệp như thế này. Và đây là vụ mới nhất trong một loạt cáo buộc mà Moscow phải đối mặt trong thời gian qua từ các nước EU và Mỹ. Mới đây nhất, hồi tháng 8, truyền thông Mỹ và Anh cũng đưa tin về việc một phụ nữ Nga bị tình nghi là gián điệp đã làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Moscow trong vòng 10 năm. Phản ứng trước cáo buộc mới nhất này, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu Đại sứ Áo tại Moscow đến gặp trong khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định “sự ngạc nhiên một cách khó chịu” về những thông tin trên.
Áo, hiện giữ chức chủ tịch luân phiên EU, là nước giữ quan điểm trung lập và không phải thành viên của liên minh quân sự NATO. Nước này là nơi đặt trụ sở nhiều tổ chức quốc tế, bao gồm LHQ, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), và trong thời Chiến tranh Lạnh đóng vai trò trung gian giữa phương Đông và phương Tây. Hồi tháng 3, khác với nhiều nước EU khác, Áo là một trong số ít các nước không trục xuất các nhà ngoại giao Nga sau vụ cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái ông Yulia bị đầu độc ở Anh vào tháng 3.
Mối quan hệ của Áo với Nga nồng ấm khi đảng Tự do xa xôi (FPOe) gia nhập chính phủ liên minh Áo vào tháng 12-2017. Nhưng gần đây, đã có những hoài nghi rằng, Nga đang nhận tin tình báo từ mật vụ Áo sau khi có những nguồn tin cho rằng các cơ quan tình báo Châu Âu đang giữ khoảng cách với Vienna, lo sợ tin tức nhạy cảm có thể được chia sẻ cho Tổng thống Putin. Một bức ảnh chụp Ngoại trưởng Kneissl cùng ông Putin khiêu vũ tại đám cưới của bà hồi tháng 8 được đăng tải rộng rãi càng “đổ thêm dầu vào lửa” cho suy đoán trên dù cả 2 bên đều khẳng định đó là một sự kiện mang tính chất cá nhân.
KHẢ ANH