Nga bác bỏ cáo buộc âm mưu gây bất ổn ở Moldova
Cáo buộc của Moldova
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 13-2, Tổng thống Moldova Maia Sandu cho rằng Nga đang có kế hoạch "dùng người đã được huấn luyện quân sự đóng giả dân thường để kích động bạo lực, tấn công các tòa nhà chính quyền và bắt con tin". Theo bà, kế hoạch này có sự tham gia của công dân Nga, Montenegro, Belarus và Serbia. Bà Sandu cáo buộc những kẻ phá hoại muốn thay thế chính quyền hiện nay bằng một chính quyền thân Nga.
Theo bà, kế hoạch lật đổ chính quyền Moldova được tiến hành nhằm ngăn quốc gia này gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và sử dụng lãnh thổ Moldova cho cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, bà không cung cấp thêm thông tin chi tiết về cáo buộc này. "Nỗ lực của Điện Kremlin nhằm mang bạo lực đến Moldova sẽ không có tác dụng. Mục đích của chúng tôi là đảm bảo an toàn cho công dân và quốc gia, là hòa bình và trật tự công cộng trong nước", Tổng thống Moldova cho biết thêm.
"Vô căn cứ"
Nga đã cương quyết bác bỏ cáo buộc từ Tổng thống Moldova. trong một tuyên bố đưa ra, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: "Những tuyên bố như vậy là hoàn toàn vô căn cứ".
Theo hãng tin Reuters, Nga cáo buộc Ukraine gây căng thẳng giữa nước này và Moldova, cho rằng Kiev đang cố lôi kéo Moldova "vào một cuộc đối đầu khó khăn với Nga". Trước đó vào ngày 9-2, phát biểu với các nhà lãnh đạo EU tại Brussels, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết gần đây ông đã nói với Tổng thống Moldova, bà Maia Sandu, rằng Kiev "đã chặn được kế hoạch phá hủy Moldova của tình báo Nga". Theo ông Zelensky, các tài liệu thu thập được cho thấy "ai, khi nào và như thế nào" kế hoạch sẽ "phá vỡ nền dân chủ của Moldova và thiết lập quyền kiểm soát đối với Moldova". Ông Zelensky cho rằng kế hoạch này rất giống với kế hoạch do Nga nghĩ ra để tiếp quản Ukraine, nhưng ông không biết liệu cuối cùng Moscow có ra lệnh thực hiện nó hay không.
Hãng tin AP cho hay sau bình luận của Zelensky, Cơ quan Tình báo và An ninh của Moldova đã đưa ra một tuyên bố xác nhận rằng họ đã nhận được "thông tin tương ứng từ các đối tác Ukraine", đồng thời cho biết họ cũng đã xác định được "các hoạt động lật đổ nhằm phá hoại Cộng hòa Moldova, gây bất ổn và làm rối loạn trật tự công cộng".
Quan hệ xấu đi
Moldova chia sẻ biên giới chung với Ukraine và thể hiện ủng hộ Kiev trong cuộc xung đột hiện nay. Trước đây, Moldova là một phần của Liên Xô, nhưng kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Moldova đã củng cố mối quan hệ đối tác sâu sắc hơn với Romania, một thành viên EU. Quan hệ giữa Nga và Moldova bắt đầu xấu đi từ năm 2021, khi bà Gavrilita nhậm chức thủ tướng và ủng hộ nước này gia nhập EU.
Moldova là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga nhằm vào nước láng giềng Ukraine đã đặt Moldova vào tình trạng căng thẳng lớn. Đất nước 2,6 triệu dân này đã phải vật lộn với dòng người tị nạn từ Ukraine và căng thẳng với Transnistria, một khu vực ly khai thân Moscow, nơi có khoảng 1.500 binh sĩ Nga đóng quân. Moldova đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về ý định của Nga và về sự hiện diện của quân đội Nga ở khu vực ly khai Transnistria.
AN BÌNH