Báo Công An Đà Nẵng

Nga cảnh cáo phương Tây

Thứ năm, 20/03/2014 11:50

(Cadn.com.vn) - Bất chấp sức ép trừng phạt, Moscow ngày 19-3 cảnh cáo các nước phương Tây về “những hậu quả lớn”.

Ngay trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry, chỉ vài giờ sau khi Điện Kremlin và Crimea ký hiệp ước lịch sử, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, những biện pháp trừng phạt từ phương Tây là không thể chấp nhận được.

Theo BBC, mặc dù ông Lavrov không đề cập chi tiết về các bước đáp trả có thể áp dụng, nhưng giới phân tích cho rằng, đầu tiên có thể là lập danh sách cấm vận các quan chức đến Nga. Bởi theo các nguồn tin ngoại giao, trong ngày 19-3, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy hủy chuyến thăm bí mật Nga để gặp Tổng thống Putin do “Moscow công khai chuyến thăm này”. Tuy nhiên, theo Reuters, Nga sau đó cáo buộc EU hủy chuyến thăm Moscow của ông Van Rompuy vì không muốn tìm ra “sự thật”  về khủng hoảng Ukraine. Theo Bộ Ngoại giao Nga, ông Van Rompuy tự nguyện tới Moscow, song bị các quan chức EU khác ngăn cản.

Trong khi đó, Itar-Tass dẫn nguồn từ Điện Kremlin khẳng định, ông Rompuy “không được phép đến Moscow” vì có tên trong danh sách trừng phạt mới, cấm không được đến Nga.

Người dân Crimea vẫy cờ Nga, vui mừng trở về với “Đất mẹ”. Ảnh: Reuters

Người Nga mừng đón Crimea trở về

Trong bước đi được người dân Crimea đón chờ và cần thiết trong quá trình pháp lý, Tòa án Hiến pháp Nga ngày 19-3 nhất trí ra phán quyết, Tổng thống Vladimir Putin hành động hợp pháp khi ký thỏa thuận đưa Crimea trở thành một phần của Nga.

“Tòa án Hiến pháp công nhận thỏa ước này phù hợp với Hiến pháp Nga”, Interfax dẫn phát biểu của Chánh án Tòa án Hiến pháp Nga Valery Zorkin cho biết. Động thái trên cho phép ông Putin đưa thỏa ước này ra Quốc hội để thông qua. Ở trong nước, để thể hiện niềm vui mừng chào đón Crimea trở về “Đất mẹ”, người dân Moscow treo quốc kỳ trên cửa sổ và ban công. Như một dấu hiệu đoàn kết với quyết định quay về với Liên bang Nga của người dân Crimea và thành phố Sevastopol, Quốc kỳ Nga phấp phới bay trên cột cờ. Trong khi đó, những ô-tô mang biểu ngữ “Sevastopol-Crimea-Nga” hay “Crimea là nước Nga” tưng bừng lăn bánh trên đường phố  Moscow và nhiều nơi khác. Trung tâm báo chí Bộ Nội vụ Nga cho biết, gần 1 triệu người trên khắp nước Nga cùng tham gia các hoạt động mừng Crimea tái thống nhất.

Tại mít-tinh ca nhạc ở Quảng trường Đỏ, hơn 10.000 người đã cùng hòa chung giọng trong bài hát “Chúng ta cùng bên nhau” với nghệ sĩ nổi tiếng Valeria.

Dồn dập trừng phạt, Nga vững vàng

Vẽ lại bản đồ Nga

Các chuyên gia tại Trung tâm Địa lý Quốc gia có trụ sở tại Washington, Mỹ ngày 19-3 công bố kế hoạch vẽ lại bản đồ thế giới, trong đó hiển thị Crimea như một phần của Nga.

Biên tập tạp chí Mỹ, giới lãnh đạo pháp lý và bản đồ đã gặp nhau hôm 19-3 (giờ Việt Nam) để thảo luận cách vẽ lại bản đồ của Nga, ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo Crimea ký hiệp ước đưa bán đảo này về “Đất mẹ”. Hiệp ước thống nhất lịch sử này dự kiến sẽ sớm được Quốc hội phê chuẩn.

Tổng thống Obama sẽ đến Châu Âu vào tuần tới, trong chuyến đi được đánh giá là quan trọng nhất của tổng thống Mỹ trong nhiều năm qua.

Tổng thống Mỹ kêu gọi các nhà lãnh đạo G-7 gặp ông ở The Hague (Hà Lan) như một nỗ lực cô lập Nga và thuyết phục các nước Châu Âu mở rộng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nhằm vào Nga. “Chúng tôi có thể điều chỉnh phản ứng dựa vào việc Moscow chọn cách leo thang hay giảm căng thẳng”, ông Obama nói. Washington đã xử phạt 11 quan chức, trong đó có các thành viên quan trọng trong vòng tròn chính trị của ông Putin. Nhà Trắng tuyên bố sẽ còn nhiều gói trừng phạt nặng hơn nữa. Tiếp bước các đồng minh Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU), ngày 19-3, Australia tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính và lệnh cấm nhập cảnh đối với các quan chức liên quan. Nhật Bản ngày 19-3 tuyên bố có thể áp đặt các trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga.

Nhưng rõ ràng, những động thái mạnh mẽ từ phương Tây vẫn không làm ảnh hưởng quyết tâm bảo vệ dân tộc Nga của ông chủ Điện Kremlin trên bán đảo Crimea. Chiến lược ban đầu của Nhà Trắng là tìm cách xoa dịu khủng hoảng ở Ukraine, cung cấp cho Nga “lựa chọn tối ưu” và cảnh báo về “hậu quả thảm khốc” nếu Moscow không dừng lại. Nhưng rõ ràng, Mỹ đã thất bại. Tình hình Crimea diễn tiến nhanh chóng đến nỗi giờ đây khi nó đã là lãnh thổ của Nga, giới phương Tây vẫn muốn níu kéo về  cho Ukraine. Những quyết định nhanh chóng, cùng với bài phát biểu sáp nhập Crimea đầy lửa và đầy thuyết phục của ông chủ Điện Kremlin dường như đã đóng sập cánh cửa cho phương Tây.

Thất bại khi không thể điều khiển con ngựa bất kham Nga, Mỹ tiến đến giai đoạn mới: trừng phạt và cô lập Moscow. Nhưng rốt cuộc, làm bùng nổ khủng hoảng Đông-Tây tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh đe dọa tiêu tốn những con bài chính trị còn ít ỏi trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama. EU, có mối quan hệ thương mại và năng lượng khổng lồ với Moscow, nắm giữ chìa khóa trừng phạt Nga. Nhưng tất nhiên, các biện pháp cũng sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế vốn mong manh của EU.

Và các biện pháp trừng phạt Nga rồi sẽ phản tác dụng mà thôi.

Khả Anh