Báo Công An Đà Nẵng

Nga chớp thời cơ tăng xuất khẩu hải sản sang Trung Quốc

Thứ hai, 28/08/2023 10:02
Mua bán hải sản tại một chợ hải sản ở thủ đô Bắc Kinh ngày 24-8. Ảnh: AFP

Trung-Nhật căng thẳng

Trung Quốc ngày 24-8 tuyên bố tạm dừng nhập khẩu toàn bộ thuỷ sản từ Nhật Bản, chỉ vài giờ sau khi quốc gia láng giềng này bắt đầu xả nước nhiễm phóng xạ đã được xử lý từ nhà máy điện hạt nhân gặp sự cố Fukushima. Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp Nhật Bản, xuất khẩu hải sản từ nước này sang Trung Quốc bao gồm cá tráp đỏ, các loại sò và cá thu. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu cá lớn nhất của Nhật Bản, với kim ngạch 71,7 tỷ yên, tương đương 493,4 triệu USD, trong năm 2022, bên cạnh kim ngạch 53,56 tỷ yên từ các loài giáp xác và nhuyễn thể như cua và sò.

Một tuyên bố của Hải quan Trung Quốc nói việc tạm dừng nhập khẩu thuỷ sản từ Nhật Bản nhằm mục đích "ngăn chặn toàn diện rủi ro nhiễm phóng xạ để đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng Trung Quốc, và đảm bảo an toàn thực phẩm nhập khẩu". Đây là sự mở rộng của lệnh cấm trước đó mà Trung Quốc đã áp dụng đối với các mặt hàng thuỷ sản của Nhật Bản có nguồn gốc từ các khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Hôm 22-8, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố nước này dự kiến xả gần 1,3 triệu tấn nước thải đã được xử lý. Phía Trung Quốc đã có phản ứng giận dữ sau tuyên bố của Nhật Bản. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cáo buộc Tokyo "cực kỳ ích kỷ và vô trách nhiệm" khi quyết định xả thải từ nhà máy Fukushima, nói rằng đại dương nên được coi là của chung của nhân loại chứ "không phải là cái cống dành cho nước nhiễm phóng xạ của Nhật Bản". Hồng Kông hôm 22-8 cũng tuyên bố hạn chế nhập khẩu một số sản phẩm thực phẩm từ Nhật Bản. Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông John Lee nói ông phản đối mạnh mẽ việc Nhật Bản xả nước thải từ nhà máy Fukushima.

Việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm lập tức vấp phải chỉ trích từ phía Nhật Bản. Theo Bộ trưởng Thủy sản Tetsuro Nomura, phản ứng thái quá của Trung Quốc "đi ngược lại động thái toàn cầu nhằm bãi bỏ quy định và loại bỏ các hạn chế đối với nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản và rất đáng thất vọng". Nhật Bản khẳng định nước thải sẽ dưới giới hạn nồng độ tritium trong nước thải là 1.500 Bq/lít, thấp hơn 7 lần so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 10.000 Bq/lít đối với nước uống. Phía Nhật Bản ngày 25-8 đã gửi kháng nghị tới Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao, yêu cầu Bắc Kinh lập tức hủy lệnh cấm.

Nga muốn "chớp thời cơ"

Moscow là một trong những quốc gia cung cấp hải sản lớn nhất cho Trung Quốc, với 894 công ty Nga được phép xuất khẩu hải sản sang Bắc Kinh. Trong năm 2022, Nga đã xuất khẩu 2,3 triệu tấn hải sản trị giá khoảng 6,1 tỷ USD, chiếm khoảng một nửa tổng sản lượng đánh bắt của nước này. Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là những nhà nhập khẩu lớn nhất. Trung Quốc hiện là điểm đến của hơn một nửa sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Nga trong 8 tháng qua.

Trong tuyên bố cuối ngày 25-8, Rosselkhoznadzor, cơ quan giám sát an toàn thực phẩm của Nga, cho biết họ đang tìm cách tăng số lượng công ty hải sản được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc. "Thị trường Trung Quốc nói chung đầy hứa hẹn cho các sản phẩm cá của Nga. Chúng tôi hy vọng sẽ tăng số lượng các công ty và tàu Nga nhận được giấy chứng nhận, tăng số lượng sản phẩm và chủng loại", theo tuyên bố của Rosselkhoznadzor.

Để hỗ trợ nỗ lực trên, Rosselkhoznadzor có kế hoạch tiếp tục thảo luận với Trung Quốc về các vấn đề an toàn hải sản và chốt đàm phán với Trung Quốc về các quy định đối với việc cung cấp sản phẩm hải sản của Nga cho nước này.

AN BÌNH

Không phát hiện bất thường trong mẫu cá sau khi xả nước thải

Ngày 26-8, Chính phủ Nhật Bản cho biết không phát hiện tritium trong các mẫu cá đầu tiên đánh bắt tại vùng biển gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, nơi đã bắt đầu tiến hành quá trình xả nước thải đã qua xử lý phóng xạ ra biển.

Hoạt động xả nước thải được tiến hành từ ngày 24-8. Cơ quan Thủy sản Nhật Bản cho biết các mẫu cá đầu tiên, cá bơn và cá bơn ô liu, đã được đánh bắt ngày 25-8 trong bán kính 5km từ cổng xả thải của nhà máy Fukushima, và không phát hiện tritium trong các mẫu cá này. Cơ quan trên cho biết sẽ tiếp tục lấy mẫu cá hằng ngày để phân tích và cập nhật kết quả sau 1 tháng. Bộ Môi trường cũng đã thu thập các mẫu nước trong bán kính 50km tính từ nhà máy và sẽ thông báo kết quả vào ngày 27-8.

Trước đó, ngày 25-8, Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy, cũng khẳng định không phát hiện tritium trong các mẫu nước biển thu được từ khu vực xả nước thải của nhà máy điện hạt nhân Fukushima. TEPCO cho biết sẽ duy trì việc lấy mẫu và phân tích nước biển hằng ngày trong vòng 1 tháng, đồng thời đảm bảo công khai minh bạch các kết quả phân tích.