Báo Công An Đà Nẵng

Nga củng cố sức mạnh tại Trung Á

Thứ hai, 19/10/2015 11:08

(Cadn.com.vn) - Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), tổ chức khu vực do Nga lãnh đạo, vốn kết thúc hôm 16-10, là cơ hội quan trọng để bàn về hợp tác quân sự từ nay đến năm 2020, với trọng tâm là Trung Á.

Moscow đang nỗ lực đẩy mạnh hiện diện quân sự trong khu vực Trung Á, và hội nghị lần này chắc chắn sẽ phù hợp với chính sách này.

Nga ký thỏa thuận mở rộng các căn cứ với Tajikistan đến năm 2042 và với Kyrgyzstan đến năm 2032. Moscow tuyên bố tăng quân tại Tajikistan, căn cứ nước ngoài lớn nhất của Nga, từ 5.900 - 9.000 binh sĩ vào năm 2020. Nga đang có kế hoạch để làm mới hạm đội bay của căn cứ không quân tại Kant, Kyrgyzstan vào năm 2016, cũng như cử hàng chục máy bay chiến đấu Su-25 phiên bản mới thay thế các máy bay cũ. Nga cũng cam kết sẽ viện trợ quân sự 1 tỷ USD cho Kyrgyzstan. Tajikistan cũng đang nhận viện trợ quân sự của Nga, song chưa rõ con số chính xác.

Binh sĩ Nga tham gia tập trận với các lực lượng Trung Á tại Kyrgyzstan. Ảnh: BBC

Đe dọa ngày càng tăng

Số lượng các cuộc diễn tập quân sự tại các căn cứ của Nga trong khu vực và các cuộc tập trận chung với quân đội các nước Trung Á tăng lên gần đây. Alexander Golts, nhà phân tích quân sự tại Moscow cho biết, thông qua các cuộc tập trận như vậy, Nga không chỉ đào tạo quân đội mà còn cải thiện liên lạc giữa các lãnh đạo chính trị, nhằm đạt "quyền can thiệp hợp pháp" của quân đội Nga trong trường hợp xảy ra xung đột.

Moscow biện minh cho việc tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực bằng cách làm nổi bật các mối đe dọa mà Trung Á và Nga đang phải đối mặt từ Afghanistan và xa hơn nữa. "Có mối đe dọa ngày càng tăng rằng, các nhóm khủng bố và cực đoan có thể xâm nhập vào các vùng lãnh thổ có biên giới với Afghanistan", Tổng thống Vladimir Putin cho biết tại Hội nghị Thượng đỉnh Dushanbe của Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể, một khối an ninh do Nga dẫn đầu, hồi tháng 9. Ông nói thêm rằng, tình hình trở nên nghiêm trọng bởi sự hiện diện của nhóm IS tại Afghanistan. Cuộc đụng độ mới nhất ở Kunduz, gần biên giới Afghanistan-Tajikistan, khiến mối đe dọa này càng thêm hiện hữu. Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi các nhóm phiến quân vượt qua Trung Á, và quân đội Nga cần phải "giữ đất" cho đến khi lực lượng chính đến được đây.

Tuy nhiên, vào những năm 1990 Taliban cho thấy dường như không mấy quan tâm đến việc tấn công các nước láng giềng phía bắc, khi chúng kiểm soát phần lớn biên giới với Turkmenistan, Uzbekistan và Tajikistan. Các nhóm phiến quân Trung Á có liên hệ với Taliban, như Phong trào Hồi giáo Uzbekistan đều khá nhỏ và hầu như không nhận được sự hỗ trợ của người dân địa phương.

Mở rộng ảnh hưởng

Giới chuyên gia cho rằng, mối đe dọa của "chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo" bị "thổi phồng" và thường được chính phủ các nước Trung Á sử dụng để lật đổ các đối thủ chính trị. Và theo họ, Nga đang nỗ lực củng cố sức mạnh quân sự ở Trung Á.

Khái niệm hợp tác quân sự được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh CIS có thể cung cấp các phương tiện pháp lý để Moscow mở rộng ảnh hưởng vì họ là quốc gia chiếm ưu thế với quân đội lớn nhất trong tổ chức. Nga đang thất vọng bởi các quốc gia khác trong khu vực như Uzbekistan và Turkmenistan giữ khoảng cách khi nói đến hợp tác quân sự. Trên thực tế, Uzbekistan đang gần gũi với Mỹ hơn Nga về hỗ trợ quân sự. Lầu Năm Góc cung cấp hơn 300 xe bọc thép MRAP với tổng giá trị mua lại gần 180 triệu USD cho Uzbekistan. Các quốc gia khác bên ngoài Trung Á cũng lo lắng về việc tăng cường quan hệ quân sự với Nga, đặc biệt là Moldova và Ukraine.

Vì vậy, nếu tất cả các thành viên CIS cam kết hợp tác quân sự với Nga, đây sẽ là một thành tựu đáng kể đối với Moscow.

An Bình
(Theo BBC)