Báo Công An Đà Nẵng

Nga “dập lửa” Azerbaijan – Armenia

Thứ năm, 07/04/2016 09:32

(Cadn.com.vn) - Nga đang có những hoạt động ngoại giao như con thoi trong suốt những ngày qua nhằm làm dịu tình hình giữa Azerbaijan-Armenia tại khu vực xung đột Nagorno-Karabakh.

Sau 4 ngày giao tranh, Armenia và Azerbaijan tuyên bố ngừng bắn ở khu vực xung đột Nagorno-Karabakh và thảo luận về kế hoạch ngừng bắn song phương. Thỏa thuận ngừng bắn đạt được trong cuộc gặp giữa các Tham mưu trưởng Armenia và Azerbaijan tại Moscow, Nga hôm 5-4. Tuy nhiên, lực lượng ở Nagorno - Karabakh sau đó cáo buộc, quân đội Azerbaijan đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.

Những diễn biến khó lường ở Nagorno-Karabakh khiến các nước, nhất là Nga, rất lo ngại. Trong tuyên bố đưa ra sau khi điện đàm riêng rẽ với lãnh đạo Armenia và Azerbaijan, Tổng thống Nga Vladimir Putin liên tục hối thúc giới lãnh đạo hai nước đảm bảo chấm dứt đụng độ đẫm máu sau khi tuyên bố ngừng bắn. Trong khi đó, theo kế hoạch, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev sẽ đến Armernia vào hôm nay (7-4), để tham dự cuộc họp của Hội đồng liên chính phủ của Liên minh Kinh tế Á -Âu. Tuy nhiên, tình hình bạo lực nổ ra tại Nagorno-Karabakh cũng nằm trong chương trình nghị sự ưu tiên của nhà lãnh đạo Nga.

Nagorno-Karabakh hiện tạm yên, nhưng vấn đề là nguyên nhân cốt lõi làm bùng nổ giao tranh vẫn là một ẩn số. Nhiều chuyên gia cho rằng, một chính sách đối ngoại yếu kém với tư tưởng hiếu chiến và cả ảo tưởng một giải pháp quân sự cho những tranh chấp lãnh thổ khiến Nagorno-Karabakh rơi vào xung đột. Một phần khác đổ lỗi cho Nhóm Minsk - do Pháp, Nga, Mỹ dẫn đầu - khi không thể tìm kiếm được một giải pháp “chấp nhận được” cho tranh chấp này. Những nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này đã diễn ra trong 22 năm qua, nhưng rất chậm chạp và chưa đạt kết quả.

Xe chở tình nguyện viên đến tham gia chiến đấu tại khu vực Nagorno-Karabakh,
do Armenia kiểm soát. Ảnh: AFP

Nhưng phải nhìn nhận một sự thật tồn tại mà ít ai nhắc đến: Nagorno-Karabakh là vùng tranh chấp mà Azerbaijan luôn nhăm nhe giành lại bất kỳ lúc nào. Đại sứ Azerbaijan tại Nga Polad Bulbuloglu Baku thậm chí từng tuyên bố: “Nếu mọi việc (ở Nagorno-Karabakh) không được giải quyết một cách hòa bình, chúng ta sẽ giải quyết bằng quân sự”. Dưới thời chính phủ Tổng thống Ilham Aliyev, vốn kéo dài hơn 1 thập kỷ, chi tiêu quân sự hàng năm của quốc gia vùng biển Caspian này tăng gần 30 lần. Năm ngoái, ngân sách quốc phòng lên đến 3,6 tỷ USD - con số vượt quá toàn bộ ngân sách nhà nước Armenia. Thỉnh thoảng, Tổng thống Aliyev thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc bằng cách tuyên bố sẽ chiếm lại được “các vùng đất bị chiếm đóng”. Và giờ đây, có vẻ như ông muốn tôn vinh cam kết này.

Trong khi đó, với ngân sách quốc phòng chỉ ở mức khoảng 500 triệu USD, Armenia hoàn toàn là kẻ yếu thế hơn so với Azerbaijan. Yerevan lâu nay vẫn duy trì cân bằng quyền lực với người hàng xóm mạnh hơn bằng cách dựa vào liên minh với Nga. Yerevan ký thỏa thuận quốc phòng song phương với Nga và là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh do Moscow đứng đầu. Trong năm 2013, Armenia bỏ qua các đề nghị đàm phán dai dẳng của Liên minh Châu Âu (EU) và chọn tham gia Liên minh Kinh tế Á-Âu cũng do Nga đứng đầu.

Hiện chưa rõ Moscow liệu có muốn đóng vai trò như “một chiếc ô” bảo đảm an ninh cho Armenia hay không, nhưng thực tế cho thấy, Điện Kremlin cũng không muốn làm mếch lòng Azerbaijan. Tuy nhiên, chính sách này dường như kích thích một số quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỹ. Đó là lý do vì sao sau khi bùng phát bạo lực ở Nagorno-Karabakh, trong khi Nga nỗ lực “dập lửa”, thì Thổ Nhĩ Kỹ lại “đổ thêm dầu vào lửa”.

Ankara không có gì để mất nhưng việc để Moscow vướng mắc trong một vấn đề ngoại giao nhức đầu như thế này khiến họ thỏa mãn. Bởi thực tế, một cuộc chiến tranh ở Nagorno-Karabakh sẽ khiến khu vực Caucasus vốn luôn bất ổn của Nga càng thêm bế tắc.

Khả Anh