Báo Công An Đà Nẵng

Nga điều tra "khủng bố quốc tế" sự cố rò rỉ đường ống dẫn khí đốt

Thứ sáu, 30/09/2022 09:06
Hiện trường vụ rò rỉ khí đốt từ đường ống Dòng chảy phương Bắc 2.

Hành vi phá hoại có chủ đích?

Ngày 27-9, Nord Stream AG, công ty vận hành các tuyến đường ống dẫn khí đốt trên, đã xác nhận xảy ra tình trạng giảm áp suất đột ngột ở cả 2 tuyến đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2. Nhà chức trách Đan Mạch cũng báo cáo một vụ rò rỉ khí đốt ở ngoài khơi Bornholm, còn nhà địa chấn học Thụy Điển ghi nhận nhiều vụ nổ trong khu vực. Giới chức đồng thời ra lệnh tạm thời ngưng hoạt động vận tải biển qua khu vực này.

Theo đài RT (Nga), khi được hỏi về những lý do có thể gây ra tình trạng giảm áp suất đột ngột của mạng lưới khí đốt dưới biển Baltic, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng các đường ống Dòng chảy phương Bắc có lẽ đã bị hư hỏng do hành vi phá hoại. Ông Peskov nhấn mạnh hiện không thể bỏ qua bất kỳ giả thuyết nào khi chưa có kết quả điều tra. Ông cũng cho biết Moscow rất lo ngại về tình hình và kêu gọi cuộc điều tra ngay lập tức và kỹ lưỡng về vụ việc, vì vấn đề này có tác động đến an ninh năng lượng của cả một châu lục.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen ngày 27-9 cho rằng các vết rò rỉ là hậu quả của hành vi phá hoại. Cảnh sát Thụy Điển cũng đã mở một cuộc điều tra sơ bộ theo hướng trên.

Theo nhận định ban đầu của tờ Tagesspiegel, các vụ nổ bên dưới vùng biển các đường ống Dòng chảy phương Bắc chạy qua không phải là sự cố ngẫu nhiên, mà là hành động phá hoại có chủ đích. Song để làm được điều này, cần đến các lực lượng biệt kích hải quân hoặc tàu ngầm mini mới có thể gài thuốc nổ vào các đường ống nằm dưới đáy biển Baltic. Các cơ quan an ninh Đức đang kiểm tra hình ảnh vệ tinh của khu vực xảy ra vụ nổ. Thông tin ban đầu cho thấy hoạt động của hải quân các nước trong khu vực này trước đó không đáng kể. Họ dường như tin rằng nếu đây là vụ phá hoại thì có thể là do thợ lặn hoặc tàu ngầm mini đã cài thuốc nổ vào 2 đường ống. Trong khi đó, trang Sky News dẫn một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Anh cho rằng sự cố xảy ra có thể do hành động tấn công sử dụng thiết bị nổ ngầm được kích hoạt từ xa.

Nga yêu cầu điều tra

Theo thông báo, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã mở cuộc điều tra sau khi phát hiện "các hành động phá hoại có chủ đích nhằm vào các đường ống dẫn khí đốt gần đảo Bornholm trên biển Baltic, gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho Liên bang Nga".

Ngày 28-9, Nga kêu gọi các nước phối hợp làm rõ vụ rò rỉ khí đốt trên 2 tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc và có phương án khắc phục hậu quả. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ cáo buộc Nga đứng sau vụ việc, khẳng định cáo buộc này là vô lý vì Nga chịu thiệt hại trực tiếp và 50% lượng khí đốt rò rỉ này đã được lên kế hoạch cung cấp cho thị trường trong nước.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến nhóm họp vào ngày 30-9 để thảo luận sự cố rò rỉ này theo đề nghị của Nga. Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde ngày 28-9 cho biết nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an hiện nay là Pháp đã nhận được đề nghị của Moscow về việc tổ chức cuộc họp. Hai nước Thụy Điển và Đan Mạch được yêu cầu cung cấp thông tin cho các thành viên Hội đồng Bảo an về các sự cố rò rỉ xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của hai quốc gia Bắc Âu này.

Mỹ kêu gọi cảnh giác

Theo Bloomberg, ngày 28-9 tại Vienna (Áo), Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm kêu gọi các nhà khai thác cơ sở hạ tầng năng lượng, kể cả các hãng vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng LNG đến châu Âu, cảnh giác cao độ sau khi xảy ra vụ nổ đường ống Dòng chảy phương Bắc nghi do bị phá hoại. "Mọi người nên cảnh giác cao độ", bà Granholm cảnh báo đồng thời kêu gọi tổ chức điều tra khẩn cấp xem ai chịu trách nhiệm về ba vụ nổ nhắm vào đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2.

Bà Granholm cho biết vụ việc nhấn mạnh lý do tại sao các nước cần tăng cường phòng thủ trong bối cảnh khí đốt và cơ sở hạ tầng năng lượng trở thành vũ khí trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Bà Granholm nói: "Các quốc gia phải đánh giá rủi ro khi dựa vào một thực thể khác để cung cấp năng lượng".

Bộ Năng lượng Mỹ từ lâu đã lo ngại về các điểm yếu an ninh của các tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Mỗi con tàu đều chở theo một lượng năng lượng khổng lồ và có thể gây nổ nếu bị tấn công. Phòng thí nghiệm Quốc gia Sandia của Mỹ cảnh báo rằng hỏa hoạn xảy ra sau vụ nổ tàu khí đốt như vậy có thể gây chết người từ cách xa cả dặm. Khi được hỏi liệu các chuyến hàng LNG của Mỹ đến châu Âu có cần phải đề phòng nhiều hơn không, bà Granholm nói: "Tất nhiên. Chúng ta phải cảnh giác cao độ".

AN BÌNH