Báo Công An Đà Nẵng

Nga dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel

Thứ bảy, 07/10/2023 09:06
Tàu chở dầu thô Fuga Bluemarine neo đậu gần cầu cảng Kozmino ở Vịnh Nakhodka, gần thành phố Nakhodka, Nga. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, Chính phủ Nga cho biết trong một tuyên bố: “Chính phủ đã dỡ bỏ các lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu diesel được giao đến các cảng biển bằng đường ống, với điều kiện nhà sản xuất cung cấp cho thị trường nội địa ít nhất 50% nhiên liệu diesel mà họ sản xuất”.

Thông báo này được đưa ra ngay sau khi Nga áp đặt lệnh cấm vô thời hạn đối với việc xuất khẩu dầu diesel và xăng sang hầu hết các quốc gia, gây chấn động thị trường toàn cầu. Các hạn chế đối với xuất khẩu xăng hiện vẫn được giữ nguyên. Theo Reuters, Moscow ban đầu thực hiện các biện pháp này vào ngày 21-9 để ổn định giá nhiên liệu ở thị trường nội địa. Lệnh cấm được áp đặt với tất cả các quốc gia ngoại trừ 4 nước thuộc Liên Xô cũ là Belarus, Armenia, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, vào tháng trước đã nói rằng các hạn chế sẽ được duy trì trong thời gian cần thiết để đảm bảo sự ổn định của thị trường.

Nga đã phải đối mặt tình trạng thiếu hụt nguồn cung và giá nhiên liệu cao trong những tháng gần đây, điều này đặc biệt gây tổn hại cho nông dân trong mùa thu hoạch. Kể từ khi Nga áp dụng lệnh cấm xuất khẩu từ ngày 21-9, giá dầu diesel bán buôn trên sàn giao dịch nội địa đã giảm 21%, trong khi giá xăng giảm 10%. Điều này không đồng nghĩa giá bán lẻ giảm tương tự. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết lệnh cấm đã bắt đầu có tác động tích cực. Cơ quan Chống độc quyền Liên bang Nga (FAS) cho biết họ đã gửi hướng dẫn đến các hãng dầu để đề nghị giảm giá các sản phẩm từ dầu.

Thế giới lao đao

Diesel là sản phẩm dầu mỏ xuất khẩu lớn nhất của Nga. Nga xuất khẩu khoảng 35 triệu tấn trong năm 2022, trong đó gần 3/4 được vận chuyển qua đường ống. Nga cũng xuất khẩu 4,8 triệu tấn xăng vào năm 2022. Các lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu của Nga hôm 21-9 đã làm giá dầu diesel tăng vọt trên toàn cầu và buộc một số người mua phải tìm các nguồn xăng và dầu diesel thay thế.

Theo Vortex, Nga chiếm hơn 13% nguồn cung dầu diesel toàn cầu từ đầu năm đến nay và là nhà cung cấp dầu diesel qua đường biển lớn nhất thế giới với lượng xuất khẩu 1 triệu thùng mỗi ngày. Trong khi các quốc gia bao gồm Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng đáng kể nhập khẩu dầu thô của Nga và xuất khẩu nhiên liệu đã lọc sang thị trường toàn cầu để tránh lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu của Moscow của EU, việc thắt chặt nguồn cung đã khiến giá dầu đạt mức 100 USD/thùng trong những tuần gần đây.

Chỉ vài tháng trước, tài sản ở các thị trường mới nổi đều có diễn biến tích cực khi lạm phát giảm bớt và kỳ vọng vào việc cắt giảm lãi suất xuất hiện. Nhưng, việc Nga áp đặt lệnh cấm xuất khẩu dầu khiến tình hình thay đổi. Giá dầu thô đắt hơn khiến áp lực về lạm phát quay lại, giảm kỳ vọng lãi suất đồng thời làm suy yếu cán cân tài chính của các nước nhập khẩu dầu. Các nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu dầu và có tỷ lệ dầu thô cao trong thu nhập sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Các quốc gia này bao gồm Ấn Độ, Philippines, Pakistan, Jordan, Kenya và Morocco.

Giá dầu quay đầu

Sau khi tăng nhẹ ở đầu phiên ngày 6-10, giá dầu thế giới đảo chiều đi xuống sau khi có thông tin Nga dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel. Cụ thể, giá dầu Brent sụt 0,08% xuống còn 84,01 USD/thùng.

Giá dầu đang trên đà chứng kiến tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3 do lo ngại rằng các ngân hàng trung ương lớn giữ lãi suất cao hơn trong thời gian lâu hơn sẽ khiến kinh tế toàn cầu giảm tốc và làm suy yếu nhu cầu đối với nhiên liệu. Hai mặt hàng dầu chủ chốt này trong tuần trước đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ đầu năm nay, song giá dầu Brent hiện đã giảm 11,6% và dầu WTI mất khoảng 9% trong tuần này.

Đợt lao dốc của giá dầu diễn ra đúng thời điểm lợi suất Trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 16 năm, do lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Chuyên gia Edward Moya tại OANDA nói với Reuters: “Giá dầu trong tuần này chịu áp lực từ việc bán tháo trên thị trường trái phiếu, làm gia tăng lo ngại về tăng trưởng toàn cầu”.

Ngân hàng Mỹ JPMorgan dự đoán nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng trưởng ổn định nhưng chậm hơn trong quý cuối cùng của năm 2023. Trong khi đó, Ngân hàng Quốc gia Australia nhận định rằng diễn biến đi xuống của giá dầu trong thời gian gần đây chỉ là tạm thời và thị trường nhiên liệu sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong quý IV. Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia dự báo giá dầu Brent có thể sẽ sớm tăng trở lại lên hơn 90 USD/thùng.

AN BÌNH