Nga hay NATO!
(Cadn.com.vn) - Đảng cầm quyền của Montenegro đang phải đối mặt với bài thử nghiệm khó khăn trong cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào ngày 16-10, với nhiệm vụ thành lập chính phủ mới và quyết định quy chế thành viên tương lai của nước này trong liên minh quân sự NATO và Liên minh Châu Âu (EU).
Thủ tướng Milo Djukanovic từng nhấn mạnh, cuộc bầu cử lần này chính là sự lựa chọn giữa việc tiếp tục hội nhập phương Tây dưới thời đảng Dân chủ Xã hội của ông hoặc đi về phía Nga theo ý của phe đối lập. Nhà lãnh đạo này hy vọng, cam kết đưa đất nước gia nhập liên minh quân sự NATO và tiến gần hơn đến EU của ông sẽ “đè bẹp” những cáo buộc tham nhũng của phe đối lập. Tuy nhiên, đó là nhiệm vụ khó khăn khi đối mặt với thế đang lên của phe đối lập. Phe đối lập mới đây bác bỏ cáo buộc được Moscow ủng hộ phía sau, cho rằng, đây là cách mà phe cầm quyền muốn dùng để khỏa lấp những cáo buộc tội tham nhũng.
Chính quyền Thủ tướng Djukanovic cũng gặp khó khi các đồng minh lâu năm đã rời bỏ ông, động thái cho thấy đảng đối lập có thể tạo cú sốc bất ngờ. Lợi thế cho phe đối lập còn tính đến những cam kết thúc đẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ.
Những tranh cãi giữa hai phe đang đẩy người dân Montenegro ra trước ngã ba đường khi phải lựa chọn hướng về Tây hay Đông, nhất là trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga với phương Tây đang xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Trong khi đó, NATO đang cố ve vãn quốc gia Balkan nhỏ bé với 620.000 dân với lời đề nghị gia nhập liên minh quân sự duy nhất trên thế giới này. Nguyên nhân cũng vì NATO lo ngại trước ảnh hưởng của Nga ở Montenegro, trong đó có các liên kết văn hóa và thương mại mạnh mẽ giữa hai quốc gia đồng minh Chính thống giáo truyền thống.
Những người ủng hộ động thái này nói rằng, việc gia nhập NATO sẽ giúp đảm bảo an ninh lớn hơn và nền kinh tế thịnh vượng hơn cho Montenegro. Nhưng nội bộ nước này vẫn còn chia rẽ sâu sắc khi NATO từng ném bom Montenegro vào năm 1999 khi liên minh này can thiệp vào cuộc chiến ở Kosovo chống lại liên bang Nam Tư (lúc đó là liên bang Serbia-Montenegro) bất chấp sự can ngăn của LHQ. Vết sẹo vẫn còn đó và người dân Montenegro xem ra vẫn khó chấp nhận NATO.
Thanh Văn