Báo Công An Đà Nẵng

Nga mở rộng sự thống trị năng lượng hạt nhân toàn cầu

Thứ năm, 09/01/2025 10:50
Nhà máy điện hạt nhân Rostov tại Nga. Ảnh: TASS

Mở rộng hạ tầng điện hạt nhân

Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây trên kênh truyền hình Rossia-24 người đứng đầu tập đoàn năng lượng nguyên tử Rosatom - Aleksey Likhachev, công bố kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân đến các vùng mới của Nga. Trong 10-15 năm tới, Nga sẽ có thêm 8 vùng mang quy chế khu vực năng lượng nguyên tử, trong đó có các vùng ở miền Trung, miền Nam, vùng núi Ural, cửa ngõ của vùng Sibiri và Viễn Đông. Ngoài ra Rosatom cũng xây dựng 3 nhà máy điện nguyên tử công suất nhỏ 10-110 và 424 Megavatt. Ông Likhachev nhấn mạnh tính chất đổi mới của kế hoạch này, đồng thời lưu ý rằng các nhà máy điện hạt nhân mới sẽ không chỉ để thay thế công suất cũ mà còn để tăng sản lượng điện trong khu vực.

Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành khai khoáng đối với an ninh quốc gia và tăng trưởng kinh tế. Đối với các vùng xa như Bắc Cực, Murmansk thì hạ tầng năng lượng hạt nhân có ý nghĩa quan trọng chiến lược, vì đây là những vùng giàu khoáng sản, và việc khai thác nguồn tài nguyên này phụ thuộc trực tiếp vào hiệu quả của các nhà máy điện. Năng lượng nguyên tử là một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược đổi mới hệ thống năng lượng của Nga. Các nhà máy mới cũng sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm, nâng mức sống tại khu vực, thu hút đầu tư và thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, tăng năng lực cạnh tranh của Nga trên thị trường năng lượng thế giới. Nga đang tiến tới mục tiêu đến năm 2042 số nhà máy điện nguyên tử sẽ chiếm 15,3% tổng số nhà máy sản xuất điện, đồng thời, tỷ lệ sản xuất điện hạt nhân sẽ tăng từ 18,9% lên 23,5%, lượng điện hạt nhân sản xuất ra vào năm 2042 sẽ ở mức 28 gigawatt, Tổng Giám đốc Rosatom cho biết.

Các dự án hạt nhân mới trên toàn cầu

Trước đó, đặc phái viên của Tổng thống Nga về Hợp tác quốc tế trong Phát triển bền vững, Boris Titov cho biết, Nga đang dần trở thành nước dẫn đầu thế giới trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, nhu cầu năng lượng hạt nhân của thế giới được thúc đẩy bởi nhu cầu của các nước đang phát triển và sự phát triển của Trí tuệ Nhân tạo (AI). Theo ông Titov, hiện có hơn 10 tổ máy điện hạt nhân đang được xây dựng ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Điều này đưa Nga trở thành một bên chủ chốt trong ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân, có khả năng biến đổi bối cảnh năng lượng toàn cầu.

Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt từ phương Tây đã hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ và thị trường của Nga, năng lượng hạt nhân đã nổi lên như một nền tảng quan trọng trong chương trình nghị sự kinh tế và địa chính trị của nước này. Bằng cách đầu tư mạnh vào lĩnh vực hạt nhân, Nga không chỉ tìm cách đảm bảo lợi ích kinh tế mà còn tăng cường đòn bẩy địa chính trị của mình. Các dự án đang được tiến hành tại các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng như Bangladesh, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, phản ánh cam kết của Moscow trong việc củng cố mối quan hệ với các bên chủ chốt trên toàn cầu.

Ông Boris Titov đã nhấn mạnh tham vọng của Nga trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times. "Chúng tôi đang xây dựng hơn 10 tổ máy khác nhau trên khắp thế giới. Chúng ta cần rất nhiều năng lượng. Chúng ta sẽ không thể cung cấp năng lượng này nếu không sử dụng... hạt nhân. Chúng tôi biết rằng nó an toàn... nó không phát thải khí nhà kính, vì vậy nó rất sạch", ông tuyên bố.

Trước bối cảnh năng lượng toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, nhu cầu về nguồn năng lượng sạch đang ngày càng tăng, đặc biệt là với các cam kết giảm phát thải carbon. Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), sản lượng điện hạt nhân trên toàn thế giới dự kiến sẽ tăng 155% vào năm 2050, đạt 950 GW. Là một quốc gia hàng đầu trong ngành, Nga đang có vị thế tốt để tận dụng xu hướng này. Tờ Financial Times trước đó đưa tin rằng Nga đang tham gia vào hơn 1/3 số lò phản ứng mới đang được xây dựng trên toàn cầu.

Theo nghiên cứu của Viện các vấn đề quốc tế Na Uy, danh mục mở rộng của Nga bao gồm xây dựng lò phản ứng, cung cấp nhiên liệu và các dịch vụ liên quan tại 54 quốc gia. Ông Titov nhấn mạnh các dự án như nhà máy Paks 2 của Hungary và các dự án phát triển ở Thổ Nhĩ Kỳ và Bangladesh. Nga cũng đang thúc đẩy kế hoạch xây dựng các lò phản ứng mô-đun nhỏ ở Uzbekistan và đã ký kết các thỏa thuận với chính quyền quân sự Burkina Faso. Nga đang nhắm đến các thị trường mới nổi để mở rộng hạt nhân, khi nhiều nước đang phát triển tìm đến năng lượng hạt nhân để có nguồn điện sạch. Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên và Phát triển bền vững của Malaysia Nik Nazmi Nik Ahmad đã công khai thừa nhận vai trò tiềm năng của năng lượng hạt nhân trong việc đạt được các mục tiêu về môi trường và kinh tế.

Chia rẽ trong nội bộ EU

Mặc dù Nga đang củng cố vị thế của mình trên thị trường năng lượng hạt nhân, nhưng cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ phương Tây. Vào tháng 5-2024, Mỹ đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu urani làm giàu từ Nga nhằm làm suy yếu ảnh hưởng kinh tế và địa chính trị của Moscow. Trong khi đó, các nước Đông Âu có lò phản ứng thời Liên Xô đang tìm kiếm các nhà cung cấp nhiên liệu thay thế để giảm sự phụ thuộc vào công nghệ của Nga. Tuy nhiên, những nỗ lực này phải đối mặt với những rào cản đáng kể.

Trong Liên minh châu Âu (EU), sự chia rẽ nội bộ ngày càng trở nên rõ ràng. Các quốc gia như Hungary và Slovakia đã phản đối các lệnh trừng phạt nhắm vào năng lượng hạt nhân của Nga vì lý do an ninh năng lượng. Trong khi đó, Ủy viên Năng lượng EU Dan Jorgensen đã kêu gọi xem xét lại chuỗi cung ứng nhiên liệu hạt nhân để giảm thiểu sự phụ thuộc vào Nga, nhưng việc thực hiện những thay đổi như vậy sẽ đòi hỏi nhiều năm đầu tư và nguồn tài chính đáng kể.

AN BÌNH

Đặc nhiệm Ukraine thực hiện vụ ám sát Trung tướng Nga tại Moscow

Ngày 17-12, Trung tướng Igor Kirillov, Tư lệnh Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học (RCHBZ) thuộc Các Lực lượng Vũ trang Nga (VS RF), đã thiệt mạng trong một vụ nổ ở trung tâm Moscow. Đây là chiến dịch ám sát táo bạo được Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) nhận trách nhiệm, như một hành động trả đũa các hành vi sử dụng vũ khí hóa học trên chiến trường Ukraine.

Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt mới

Châu Âu sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tiếp theo cú shock năm 2022 do kho dự trữ khí đốt đang giảm nhanh trong khi giá lại tăng mạnh vì xung đột Nga - Ukraine. Cảnh báo được hãng tin Bloomberg của Mỹ đưa ra ngày 23-11, trong bối cảnh mùa Đông tại châu Âu đang đến gần nhưng Liên minh châu Âu (EU) vẫn gặp khó trong việc tiếp cập các nguồn cung năng lượng.

Rạn nứt ở phương Tây báo hiệu kết cục xung đột khác xa kỳ vọng của Ukraine

Tổng thống Cộng hòa Séc Petr Pavel, một trong những quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất ở Trung Âu, gần đây đã nói rằng Kiev sẽ phải có cái nhìn “thực tế“ và “kết quả có khả năng xảy ra nhất là một phần lãnh thổ Ukraine sẽ nằm dưới sự chiếm đóng tạm thời của Nga“.