Báo Công An Đà Nẵng

Nga, Mỹ "căng như dây đàn" trước thềm hội đàm thượng đỉnh

Thứ hai, 06/12/2021 14:40

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov ngày 4-12 thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh trực tuyến song phương vào ngày 7-12 để thảo luận về tình hình Ukraine và những chủ đề khác.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh ở Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 16-6. Ảnh: AFP

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Peskov khẳng định: "Cuộc đối thoại thực sự sẽ diễn ra vào ngày 7-12". Theo đó, quan hệ song phương, vấn đề Ukraine và tiến trình thực thi những thỏa thuận đã đạt được ở Geneva là những nội dung chính trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, trước thềm sự kiện này, cả hai bên đều không ngừng đưa ra những động thái "nóng- lạnh", cho thấy "hòa bình nóng", tức đấu đầu xen lẫn hợp tác vẫn sẽ là xu thế chính trong mối quan hệ Nga- Mỹ thời gian sắp tới.

Cố vấn chính sách đối ngoại của Điện Kremlin - ông Yuri Ushakov cho biết trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nga-Mỹ sắp tới, tổng thống hai nước sẽ thảo luận về các vấn đề song phương và những chủ đề trong chương trình nghị sự quốc tế liên quan đến Afghanistan, Iran, cuộc khủng hoảng nội bộ ở Ukraine, Libya và có thể là cả về Syria. Cũng theo ông Ushakov, Tổng thống Putin và người đồng cấp Biden sẽ thảo luận về tiến trình đối thoại ổn định chiến lược và chắc chắn sẽ đưa ra chủ đề thực hiện sáng kiến của Nga về tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Điện Kremlin cũng cho biết, Tổng thống Putin sẽ bày tỏ lập trường phản đối của Nga trước bất kỳ động thái nào kết nạp Ukraine vào NATO, cũng như các hoạt động mở rộng sang phía Đông của liên minh quân sự này.

Trong khi đó, theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, Tổng thống Biden sẽ bày tỏ lo ngại của Mỹ, cũng như các đồng minh trong NATO về các hoạt động quân sự gần đây của Nga ở biên giới Ukraine, tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Cuộc nói chuyện gần đây nhất giữa hai nhà lãnh đạo Nga- Mỹ là vào tháng 7 vừa qua khi Washington hối thúc Moscow kiềm chế các băng nhóm tội phạm mạng có trụ sở tại Nga tấn công nhằm vào Mỹ. Và đối với lần thảo luận này, Mỹ cũng không ngừng cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng liên quan đến hành động mà nước này cho là khiêu khích quân sự của Nga nhằm vào Ukraine, trong khi Nga cho rằng tham vọng mở rộng về phía Đông của NATO mới là mối đe dọa thực sự đối với sự ổn định và an ninh khu vực.

Trên thực tế, cuộc gặp ở Stockholm hồi giữa tuần này giữa Ngoại trưởng Nga Lavrov và người đồng cấp Mỹ Blinken, sự kiện được xem là chuẩn bị cho cuộc thảo luận cấp cao sắp tới giữa lãnh đạo hai nước đã diễn ra căng thẳng với những lời cảnh báo, răn đe nhau. Song mặt khác, hai bên cũng tuyên bố mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine thông qua ngoại giao nhằm tránh kịch bản "ác mộng" về cuộc đối đầu giữa hai cường quốc.

Các động thái như thế này trong quan hệ Nga- Mỹ không phải là điều mới. Bởi không chỉ đến thời Tổng thống Biden, các đời tổng thống Mỹ đều mong muốn quan hệ Mỹ - Nga thay đổi theo hướng tích cực. Ở phía ngược lại, Tổng thống Putin cũng cho thấy mong muốn không để quan hệ hai nước đi tới bờ vực thảm họa.

KHẢ ANH