Báo Công An Đà Nẵng

Nga - Mỹ giảm nhiệt Crimea

Thứ hai, 31/03/2014 13:47

(Cadn.com.vn) - Giảm nhiệt căng thẳng bằng con đường đàm phán ngoại giao là giải pháp tốt nhất cho cuộc khủng hoảng Đông-Tây tồi tệ nhất sau Chiến tranh Lạnh.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov gặp nhau vào ngày 30-3 tại Paris (Pháp) khi cả hai muốn tìm lời giải cho bài toán Crimea hiện nay.

Ông John Kerry phải chuyển hướng máy bay vào phút chót để tham dự cuộc thảo luận được sắp xếp khá vội vã này. Cuộc hội đàm được mong chờ diễn ra sau khi Moscow tuyên bố hoàn toàn không có ý định thôn tính phía Đông Ukraine. “Chúng tôi hoàn toàn không có ý định - hoặc quan tâm - qua biên giới của Ukraine”, Reuters dẫn lời ông Lavrov trấn an phương Tây.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) gặp gỡ người đồng cấp Mỹ John Kerry hôm 30-3. Ảnh: Reuters

THÚC ĐẨY NGOẠI GIAO

Trong nỗ lực đầu tiên làm dịu tình trạng bế tắc Đông Tây tồi tệ này, Tổng thống Vladimir Putin gọi điện cho người đồng cấp Mỹ Barack Obama thảo luận về “đề nghị ngoại giao” của Mỹ.

Cuộc điện đàm quan trọng này diễn ra trong bối cảnh phương Tây đang lo ngại Moscow sẽ thôn tính khu vực phía Đông của Ukraine sau khi các quan chức Nhà Trắng nói Điện Kremlin đã triển khai hơn 40.000 quân ở khu vực này. Tuy nhiên, ông Lavrov cho biết, Moscow chỉ sẵn sàng bảo vệ quyền của người nói tiếng Nga, đề cập đến những gì mà Điện Kremlin coi là mối đe dọa đối với cuộc sống đồng bào ở miền Đông Ukraine kể từ khi cựu Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ hồi tháng 2.

Trong khi đó, cộng đồng thiểu số người Tatar - chiếm 15% dân số 2 triệu người ở Crimea - đi bỏ phiếu nhằm thúc đẩy quyền tự trị. Lãnh đạo người Tatar, Refat Chubarov, cho biết, nếu người Nga ở Crimea được trao cơ hội quyết định tương lai, tất cả những người liên quan “phải xuất phát từ tiền đề là người Tatar ở Crimea cũng có quyền này”. Sau nhiều giờ tranh luận, các đại biểu tại Đại hội khẩn cấp bỏ phiếu nhất trí “khởi động các thủ tục chính trị và pháp lý cho quyền tự trị về sắc tộc và lãnh thổ của người Tatar Crimea.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ về cách thức họ tiếp tục với động thái này hay liệu họ muốn trở thành thực thể tự trị của Ukraine hay của Nga.

UKRAINE VẪN CHIA RẼ

Ukraine ngày càng chia rẽ sâu sắc sau cuộc biểu tình dẫn đến vụ lật đổ cựu Tổng thống Viktor Yanukovich. Nhiều khu vực nói tiếng Nga ở phía Đông hoài nghi về các chính sách của chính phủ thân phương Tây mới tại Kiev.

Hôm 28-3, ông Yanukovich, hiện đang ở Nga, kêu gọi mỗi vùng của đất nước tổ chức trưng cầu dân ý về tình trạng của họ ở Ukraine, thay vì tổ chức bầu cử tổng thống theo dự kiến vào ngày 25-5 tới. Hiện, cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine chính thức trở thành cuộc đua song mã khi cựu võ sĩ quyền anh Vitaly Klitschko chịu thua nhà tài phiệt Poroshenko. Cuộc đua vào ngày 25-5 là màn đối đầu giữa người đàn ông được gọi là “Vua chocolate” và cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko. Nhiều ý kiến thăm dò cho thấy, ứng viên Poroshenko, người ủng hộ cuộc tổng nổi dậy lật đổ ông Yanukovich, có khả năng giành chiến thắng trước đối thủ kỳ cựu Tymoshenko.

Nhưng cuộc bầu cử này đang bị lu mờ bởi tình trạng rối ren ở Ukraine. Tại Riyadh, ông chủ Nhà Trắng kết thúc chuyến công du 7 ngày trong tình trạng tương tự như chưa bắt đầu – tức là không đạt được thành quả nào. Nhà Trắng vẫn chưa rõ liệu các đồng minh Châu Âu có thể tiêu hóa được các loại biện pháp trừng phạt cần thiết để làm tê liệt, suy yếu đáng kể nền kinh tế Nga. Một số Cty lớn ở Đức chỉ trích chiến lược của Mỹ và Châu Âu trong việc đối phó với Nga về Crimea, lo sợ hậu quả đáng tiếc cho doanh nghiệp của họ. Giám đốc điều hành nhà sản xuất thép ThyssenKrupp, Heinrich Hiesinger tuyên bố, các sự kiện trong quá khứ chỉ ra rằng, phương Tây tốt nhất nên hợp tác với Nga hơn là đối đầu. Nhiều Cty đang lo lắng về việc mất thị trường kinh doanh lớn nếu có thêm biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa.

Rõ ràng, khi Đức nói khó trừng phạt Nga thì cũng khó có quốc gia Châu Âu nào cả gan đi theo Mỹ. Vị “thuyền trưởng” Obama xem ra khó giữ vững “con thuyền” của mình.

Khả Anh