Báo Công An Đà Nẵng

Nga - Mỹ và EU đều “xem xét lại các mối quan hệ” với nhau

Thứ ba, 02/09/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Cuộc khủng hoảng giữa Nga với Mỹ và EU xung quanh vấn đề Georgia trên thực tế đã làm thay đổi cán cân chiến lược và buộc các bên có liên quan đều phải  “xem xét lại các mối quan hệ”  với nhau, chí ít là trong tương lai gần.

 Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại một điểm tuần tra
ở bên ngoài thành phố Poti của Georgia. Ảnh: Reuters

Trong bài phát biểu hôm 1-9, trước các sinh viên một trường ngoại giao lớn ở Moscow nhân dịp năm học mới, Ngoại trưởng Nga Lavrov nói: “Thông qua việc đáp trả cuộc xâm lược của Georgia, Nga đã hình thành một loại tiêu chuẩn phản ứng mới hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Nga đã trở lại vũ đài thế giới với tư cách là một quốc gia có trách nhiệm có thể bảo vệ được các công dân của mình”.

Ngoài ra, ông Lavrov còn kêu gọi áp đặt lệnh cấm vận bán vũ khí cho Georgia để ngăn ngừa một cuộc xung đột nữa xảy ra ở khu vực này, đồng thời tuyên bố Nga sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp “trừng phạt những kẻ phạm tội” và đảm bảo rằng chính phủ của Tổng thống Georgia Saakashvili “không bao giờ lặp lại được hành động này nữa”. Còn Mỹ, ngay khi cuộc xung đột giữa Nga với Georgia chưa chấm dứt, Nhà Trắng đã không ít lần tuyên bố họ sẽ xem xét lại các mối quan hệ với Nga.

Nổi bật là Mỹ lập tức ngừng các cuộc tập trận chung có quân đội Nga tham gia, đình chỉ các cuộc đối thoại, thúc đẩy các chính sách mang tính bao vây, cấm vận với Nga cả về chính trị, quân sự, ngoại giao... EU bị ràng buộc một bên là Mỹ, đối tác hàng đầu, một bên là các thành viên nên cũng không thể không có những đối sách cụ thể với Nga. Hội nghị Thượng đỉnh bất thường của EU ngày 1-9 tại Brussels (Bỉ) cho thấy dù không muốn đẩy quan hệ Nga-EU tới chỗ đối đầu như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng cũng cố làm điều gì đó để thỏa mãn Mỹ và các thành viên.

Phát biểu trước khi diễn ra hội nghị trên, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố EU không nên cắt đứt quan hệ với Moscow, song “phải có quan điểm rõ ràng và phản ứng một cách thống nhất”. Phát biểu với các phóng viên sau hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) J. M. Barroso cho biết: “Chừng nào việc rút quân của Nga không được tôn trọng, tất cả các cuộc gặp để bàn về hiệp định quan hệ đối tác EU-Nga sẽ bị hoãn lại”. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, cho biết: “Chúng tôi sẽ hoãn tất cả các cuộc gặp về thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược”.

Nhà lãnh đạo Pháp còn cho hay, ông sẽ đến Moscow và Tbilisi vào ngày 8-9 tới cùng với ông Barroso và đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại của EU, ông Javier Solana, để thảo luận về cuộc khủng hoảng. Ông Sarkozy nói: “Cuộc khủng hoảng này khiến chúng tôi phải xem xét lại quan hệ với Nga. Cuộc gặp ngày 8-9 tới sẽ có ý nghĩa sống còn cho quan hệ giữa EU và Nga” (?!). Mặt khác, tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh EU cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi trông đợi Nga sẽ hành động có trách nhiệm đúng với tất cả những gì họ đã cam kết. EU sẽ vẫn cảnh giác”.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (giữa), ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner (trái)
và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso|
tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Reuters.

Ngay lập tức, Thư ký báo chí Nhà Trắng Dana Perino lên tiếng: “Hội nghị Thượng đỉnh bất thường của EU đã cho thấy Châu Âu và Mỹ đoàn kết với nhau ủng hộ mạnh mẽ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của Georgia cũng như việc tái thiết quốc gia này. Chúng tôi sẽ hợp tác với EU để hỗ trợ Georgia trong việc tái thiết và sẽ tham dự hội nghị quốc tế về tái thiết Georgia”.

Bà Dana Perino cũng hoan nghênh phái đoàn quan chức EU đến Moscow ngày 8-9 tới và nói: “Chúng tôi nhất trí với kết luận của EU rằng, Nga phải đưa ra một chọn lựa để không tự cô lập mình với Châu Âu”. Trong khi đó, đại diện của Nga tại EU, ông Vladimir Chizhov, đã chỉ trích quyết định của EU đình chỉ các cuộc thương lượng với Moscow về quan hệ đối tác chiến lược, đồng thời nói rằng động thái này đã làm tổn hại đến uy tín của EU. Ông Vladimir Chizhov nói: “Điều này chẳng khác gì một sự tự trừng phạt đối với Liên minh Châu Âu bởi nó không làm tăng uy tín của EU với tư cách là một đối tác thương lượng. Chúng tôi không cần các cuộc thương lượng hay cái thỏa thuận mới này nữa, chứ không như phía EU”.

Theo ông Chizhov, “EU đã để lỡ cơ hội tốt nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Nga bằng cách thể hiện tình đoàn kết với Moscow. Thay vào đó, họ đã đi ủng hộ kẻ gây hấn và trong trường hợp này dĩ nhiên là Georgia”. Ngày 2-9, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga viết: "Một số quốc gia đã kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, đồng thời đình chỉ các mối quan hệ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phần lớn các nước thành viên EU đã thể hiện một cách tiếp cận có trách nhiệm, cũng như xác định cách cư xử của mình trong quan hệ đối tác với Nga, nhận thức rõ tầm quan trọng của sự hợp tác đôi bên cùng có lợi này".

Nhưng dư luận đặt ra câu hỏi liệu cách hiểu về sự toàn vẹn lãnh thổ của Georgia sau ngày 7-8 giữa Nga với Mỹ và EU có gặp nhau hay không mới là điều quan trọng. Vì mấu chốt của vấn đề hiện nay là Nga đã công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia, còn Mỹ và EU thì không, nên khó có giải pháp nào để Nga cũng như Mỹ và EU thỏa mãn, ngoại trừ Mỹ và EU buộc phải chấp nhận việc đã rồi của Nam Ossetia và Abkhazia như từng xảy ra ở Kosovo vậy!

Diễn biến đó cho thấy cả Nga cũng như Mỹ và EU đang vạch ra lộ trình xem xét lại các mối quan hệ với nhau.

Tuyết Minh