Báo Công An Đà Nẵng

Nga phô diễn sức mạnh ở Bắc Cực, Mỹ lo ngại

Thứ sáu, 02/02/2018 09:54

Bắc Cực nằm trong địa điểm chiến lược của chính phủ Nga, trong bối cảnh nhiều quốc gia thuộc Hội đồng  Bắc Cực, trong đó có Mỹ, đang nỗ lực giành quyền kiểm soát khu vực này.

Tàu ngầm - một phần lớn trong kế hoạch thống trị Bắc Cực của Nga. Ảnh: AFP

Quân đội Nga ngày 1-2 điều tàu chiến đến vùng biển Barents ở Bắc Cực để tham gia tập trận chống tên lửa, đánh dấu cuộc diễn tập pháo lực đầu tiên của nước này trong năm 2018. Động thái này, theo giới phân tích, có thể khiến Mỹ và các đồng minh quân sự trong NATO “đứng ngồi không yên”.

Chiến lược Bắc Cực

Bắc Cực nằm trong địa điểm chiến lược của chính phủ Nga trong bối cảnh nhiều quốc gia thuộc Hội đồng Bắc Cực, trong đó có Mỹ, đang nỗ lực giành quyền kiểm soát khu vực này. Điện Kremlin đã đưa ra tuyên bố về vùng Bắc Cực rất giàu tài nguyên, thách thức các tuyên bố đối nghịch của Mỹ, Canada, Na Uy và Đan Mạch, tất cả đều có lãnh thổ trong vùng lân cận.

Từ năm 2014, Tổng thống Putin phê duyệt chiến lược quân sự mới, trong đó nỗ lực tập trung vào 3 nơi thật sự quan trọng: bán đảo Crimea, vùng Kaliningrad và Bắc Cực. Từ đó đến nay, Hạm đội phương Bắc của Nga có hàng loạt cuộc tập trận tại Bắc Cực, nhằm mục đích tạo chỗ đứng vững chắc hơn quanh Bắc Băng Dương.  Báo cáo chiến lược hải quân mới nhất của Tổng thống Putin chỉ ra Bắc Cực là khu vực mà quân đội và các nước khác đang cố gắng thiết lập một “cường quốc đáng sợ” đối với các lực lượng của Nga.

Theo tờ Newsweek, Hạm đội Phương Bắc của Nga khởi động “cuộc chiến” năm nay bằng cách phái các tàu chiến từ chiến hạm lớp Kola đến khu vực này. Tàu khu trục tên lửa Iceberg và tàu ngầm chống tàu ngầm Yunga đã vào vùng biển Barents, mô phỏng phản ứng chống lại tên lửa hành trình từ một kẻ thù giả định.  Ngoài ra, hai tàu chiến này cũng liên tục chống trả các cuộc không kích, bắn trả bằng tên lửa chống máy bay.

Mỹ sẽ làm gì?

Theo giới quân sự, Hải quân Nga tất nhiên khó có thể phục hồi được một số khả năng của thời Liên Xô ở bờ biển phía Bắc khổng lồ của họ, kéo dài dọc theo toàn bộ chiều dài của tuyến Biển Bắc quan trọng. Tuy nhiên, những động thái gần đây của Moscow ở Bắc Cực đang cho thấy sức mạnh hải quân ngày càng lớn của họ. Hiện Điện Kremlin đang tăng cường sức mạnh quốc phòng cũng như khả năng khai thác tài nguyên tại khu vực.

Tất cả những động thái của Nga khiến Mỹ thật sự lo ngại. Giới chuyên gia quân sự nhấn mạnh, Washington có những tham vọng cả về quân sự lẫn kinh tế ở Bắc Cực. Bởi theo ước tính của Washington, khu vực này là nơi có đến 15% dầu mỏ, 30% khí đốt và 20% khí tự nhiên hóa lỏng còn lại của trái đất. Đây là những “mỏ vàng” mà Washington thật sự rất cần. 

Một chuyên gia nhận định, từ góc độ quân sự có thể nói Mỹ vốn đã có mặt ở Bắc Cực. Các tàu ngầm đa năng động cơ hạt nhân tuần tra ở đó, các cuộc thám hiểm quân sự tại Bắc Cực được Lầu Năm Góc tài trợ. Hạm đội tàu phá băng của Mỹ tương đối nhỏ. Cảnh sát biển Mỹ hiện chỉ có 3 tàu, trong đó 2 chiếc là có thể di chuyển. Một tàu khác do Quỹ Khoa học quốc gia quản lý. Trong khi đó, hạm đội tàu phá băng Nga là hơn 40 tàu. Tuy nhiên, theo tờ Business Insider, Hải quân và Cảnh sát biển Mỹ đang đặt hàng thiết kế đóng một tàu phá băng mới. Dự thảo ngân sách của Lực lượng Cảnh sát biển năm tài chính 2018 dành 19 triệu USD cho mục đích này. Tàu dự kiến sẽ đóng năm 2019 và hoàn thành năm 2023.

Dù khó đuổi kịp Nga nhưng có thể thấy rõ, ở đây, hoạt động kinh tế và quân sự tích cực của Mỹ sẽ tập trung vào mục tiêu chính- đẩy bật Moscow khỏi khu vực này, tạo tiềm lực đe dọa và tất nhiên tranh giành phân chia các tài nguyên dự trữ của Bắc Cực.

KHẢ ANH