Nga - phương Tây gia tăng căng thẳng: Kết quả của “nhiều sai lầm”
(Cadn.com.vn) - “Đó là lỗi của liên minh quân sự NATO khi nỗ lực mở rộng sang biên giới gần Nga và việc Mỹ thúc đẩy xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu”, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11-1 có bài trả lời phỏng vấn gây chú ý trên báo Bild của Đức, liên quan đến nhiều vấn đề nóng bỏng như quan hệ Nga-phương Tây, vấn đề sáp nhập Crimea, cuộc chiến chống khủng bố quốc tế cũng như việc giá dầu giảm mạnh.
Tổng thống Putin cáo buộc việc Mỹ củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu, |
NGA - PHƯƠNG TÂY CĂNG THẲNG
Tổng thống Putin cho rằng, mối quan hệ xấu đi giữa Moscow với phương Tây là kết quả từ nhiều “sai lầm” của NATO và Mỹ sau sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991. “25 năm trước, bức tường Berlin sụp đổ, nhưng những bức tường vô hình được chuyển về phía Đông của Châu Âu. Điều này dẫn đến những hiểu lầm và cáo buộc tội lẫn nhau. Đó là những nguyên nhân gây ra tất cả các cuộc khủng hoảng hiện nay”, ông Putin nói.
Ông chủ Điện Kremlin chỉ trích việc NATO mở rộng sang biên giới Nga sau Chiến tranh Lạnh cũng như kế hoạch của Mỹ thúc đẩy xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu. Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Âu ban đầu được cho là để ngăn chặn các tên lửa của Iran. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga cho rằng, giờ đây - khi Tehran và quốc tế đã đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử - việc Mỹ vẫn tiếp tục thúc đẩy kế hoạch này gây ra nhiều nghi ngại. “Họ muốn ngồi một mình trên ngai vàng ở Châu Âu... Các bạn cũng có thể nhìn thấy tham vọng giành chiến thắng tuyệt đối trong kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ”, ông Putin đề cập đến kế hoạch xây dựng lá chắn phòng thủ tên lửa mà Điện Kremlin kiên quyết phản đối.
Bất chấp mối quan hệ căng thẳng với phương Tây, ông chủ Điện Kremlin tuyên bố sẵn sàng đoàn kết với phần còn lại của thế giới trong cuộc chiến chống khủng bố.
CRIMEA VÀ GIÁ DẦU
Mối quan hệ Nga-Phương Tây đến bên bờ vực thẳm do vấn đề Ukraine và nhất là việc Moscow sáp nhập Crimea hồi tháng 3-2014.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn tờ Bild lần này, ông chủ Điện Kremlin khẳng định, việc sáp nhập Crimea chỉ đơn giản là nhằm bảo vệ người dân ở đây khỏi “sự can thiệp vào ý nguyện tự do người dân của Mỹ và Châu Âu”. “Chúng tôi không chiến đấu, không chiếm đóng, không bắn giết ở Crimea”, ông nhấn mạnh đồng thời khẳng định, Nga không vi phạm luật pháp quốc tế khi sáp nhập Crimea.
Việc sáp nhập Crimea khiến Moscow phải hứng chịu loạt biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ từ Mỹ và Châu Âu trong khi giá dầu giảm mạnh. Nhưng Tổng thống Putin vẫn lạc quan cho rằng, giá dầu thấp tác động tích cực đến nền kinh tế, giúp khôi phục kinh tế và kích thích sản xuất nội địa. “Khi giá dầu cao, chúng tôi rất khó chống lại việc sử dụng các nguồn thu từ dầu cho chi tiêu hiện tại. Thâm hụt phi dầu mỏ đã tăng tới mức rất nguy hiểm. Giờ Nga buộc phải giảm chi tiêu và điều này giúp kinh tế lành mạnh hơn”, ông giải thích đồng thời bày tỏ tin tưởng kinh tế sẽ từng bước ổn định và phục hồi.
Tổng thống Putin hiện được đánh giá là nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới, với những chính sách và cách tiếp cận đúng đắn ở Ukraine và mới nhất là ở Syria. Thậm chí, nhiều nhà phân tích cho rằng, vai trò lớn mạnh của Nga trong các vấn đề này là mối lo sợ lớn nhất của Mỹ.
Khả Anh