Báo Công An Đà Nẵng

Nga - Thổ hàn gắn quan hệ

Thứ tư, 10/08/2016 08:51

(Cadn.com.vn) - Đây là lần đầu tiên, ông Vladimir Putin và Recep Erdogan - hai nhà lãnh đạo nổi tiếng mạnh mẽ - gặp nhau kể từ sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga trên bầu trời Syria trong tháng 11-2015.

Ngày 9-8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã đến thành phố Saint Petersburg của Nga, nơi ông có cuộc họp đầu tiên với người đồng cấp nước chủ nhà Vladimir Putin, trong nỗ lực chữa lành vết thương sâu sắc sau vụ Ankara bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Moscow.

Chuyến đi đến Saint Petersburg – quê nhà của Tổng thống Putin – cũng đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Erdogan kể từ cuộc đảo chính bất thành hôm 15-7, vốn phủ bóng quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây. “Chuyến thăm này đối với tôi chính là cột mốc mới trong quan hệ song phương”, ông Erdogan cho biết khi trả lời phỏng vấn giới truyền thông Nga.  Đáp lại, khi gặp ông Erdogan, Tổng thống Putin khẳng định, Nga sẵn sàng để khôi phục kinh tế hợp tác và quan hệ khác với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan
gặp gỡ vào hôm 9-8. Ảnh: AFP

CỦNG CỐ QUAN HỆ KINH TẾ

Thật sự, quan hệ Nga-Thổ, hai cường quốc giành ảnh hưởng trong khu vực chiến lược biển Đen và Trung Đông, chưa bao giờ yên ả. Tuy nhiên, trước cuộc khủng hoảng bắn hạ máy bay, Moscow và Ankara nỗ lực tránh làm bùng nổ căng thẳng bởi lo ngại làm tổn hại quan hệ hợp tác chiến lược về các vấn đề như đường ống dẫn khí đốt TurkStream sang Châu Âu và nhà máy điện hạt nhân Akkuyu mà Nga xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, sau vụ Su-24, mối quan hệ thương mại giữa hai nước rơi vào tình trạng thảm hại, giảm 43%, xuống còn 6,1 tỷ USD, tính từ tháng 1 đến 5-2016. Trong khi đó, ngành công nghiệp du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi du khách Nga - vốn là lực lượng khách chủ yếu của Ankara - giảm 93%. Moscow hiện sa lầy trong cuộc khủng hoảng kinh tế do lệnh trừng phạt của phương Tây về vấn đề Ukraine cùng với giá dầu giảm, trong khi triển vọng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ suy giảm, cả hai nhà lãnh đạo này chú trọng vào kinh tế.

Nói trước truyền thông Nga, Tổng thống Erdogan bày tỏ mong muốn “ngay lập tức thực hiện các bước” hướng đến việc thực hiện dự án TurkStream - bơm 31,5 tỷ m3 khí đốt mỗi năm - và nhanh chóng hoàn thành nhà máy điện Akkuyu.

TÌNH BẠN “BẤT ĐẮC DĨ”?

Sau vụ đảo chính bất thành hôm 15-7, mối quan hệ Nga-Thổ càng được củng cố hơn nữa, trong bối cảnh Tổng thống Erdogan thẳng thừng cho biết cảm thấy thất vọng bởi những phản ứng của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) về vụ việc này.

Trong khi đó, Tổng thống Putin là một trong những nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên điện thoại cho ông Erdogan, bày tỏ sự ủng hộ và chia sẻ với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về những quyết định trấn áp hậu đảo chính. Trong khi quan hệ Nga-Thổ vẫn chưa có gì chắc chắn, căng thẳng giữa Ankara với các cường quốc phương Tây có thể xem là cơ hội vàng để cả hai tái lập quan hệ. Đối với Ankara, sự hòa dịu với Moscow cũng cho thấy “lựa chọn chiến lược” của họ. Với Điện Kremlin, họ cũng cảm nhận được cơ hội giành được ưu thế trước một thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng sau những tranh cãi - trong đó ông Putin không ngần ngại cáo buộc ông Erdogan “đâm sau lưng” Nga và làm ăn với nhóm cực đoan IS, rõ ràng sẽ mất rất nhiều thời gian để cả hai hàn gắn quan hệ. “Những gì chúng ta đang thấy là mối quan hệ được xây dựng không phải trên tình bạn cá nhân mà trên lợi ích vật chất thông thường”, chuyên gia Alexander Baunov tại Trung tâm Carnegie ở Moscow nhận định.

Khả Anh