Báo Công An Đà Nẵng

Nga trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ hai, 30/11/2015 08:24

(Cadn.com.vn) - Sắc lệnh mà Tổng thống Nga đã ký về các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Thổ Nhĩ Kỳ được giải thích để ngăn chặn nguồn tài chính của chủ nghĩa khủng bố.

Tổng thống Vladimir Putin hôm 28-11 (giờ Nga) ký sắc lệnh áp đặt hàng loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đáp trả việc Ankara bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Moscow khiến 1 phi công thiệt mạng.

Sắc lệnh này, vốn được thông qua với mục đích “đảm bảo an ninh quốc gia”, cho thấy rõ sự bế tắc nghiêm trọng giữa Moscow và Ankara. “Việc bắn hạ chiến đấu cơ Nga như thế này là chưa từng xảy ra. Vì vậy, các biện pháp trừng phạt là phản ứng tự nhiên phù hợp mối đe dọa này”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) đã ký lệnh trừng phạt kinh tế
nhằm vào chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan.
Trong ảnh: Ông Putin và Erdogan hội đàm bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20. Ảnh: AFP

Nhắm vào nền kinh tế

Theo Reuters, sắc lệnh này, vốn có hiệu lực vào ngày 1-1-2016, sẽ đặt dấu chấm hết cho thương vụ của những chuyến bay thuê giữa hai nước.    

Sắc lệnh cũng yêu cầu các Cty Nga hạn chế mở các chuyến đi đến Thổ Nhĩ Kỳ và hạn chế tuyển dụng các nhân viên người Thổ. Trong khi đó, một số Cty Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với việc bị hạn chế hoạt động tại Nga. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt bao gồm đình chỉ chính sách miễn thị thực giữa hai nước và cấm nhập khẩu một số hàng hóa từ Thổ Nhĩ Kỳ.  Ankara ngay lập tức phản ứng khi cho rằng, các biện pháp trừng phạt này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm bế tắc giữa hai nước. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban An ninh và chống tham nhũng thuộc Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, bà Irina Yarovaya khẳng định, việc Moscow áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm bảo vệ Nga khỏi chính sách “đâm sau lưng” và chặn nguồn tài chính của hoạt động khủng bố.

Moscow cáo buộc Ankara mua dầu của IS. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nói về việc con trai Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan có “những lợi ích nhất định” trong ngành công nghiệp dầu mỏ. Tuy nhiên, Ankara bác bỏ cáo buộc này.

Do Ankara kiên quyết không xin lỗi?

Lệnh trừng phạt của Điện Kremlin được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Erdogan ra tuyên bố bày tỏ “sự đau buồn sâu sắc” và ước rằng  không bắn hạ chiến đấu cơ Nga, song vẫn kiên quyết không xin lỗi Moscow như Tổng thống Putin yêu cầu.

Tại Nga, các phụ tá thân cận của Tổng thống Putin nhấn mạnh trọng tâm việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa xin lỗi về sự cố này. Phía Nga cho rằng, hành động của Ankara, vốn mở ra một trong những cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất giữa một quốc gia thành viên NATO và Nga trong hơn nửa thế kỷ, là “sự khiêu khích có kế hoạch”.  Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết, vụ việc trên thậm chí khiến Tổng thống Putin trở nên “sẵn sàng hành động” giống như quân đội trong những thời kỳ căng thẳng.

Bên nào chịu thiệt hại nhiều hơn?

Thổ Nhĩ Kỳ trao trả thi thể phi công Nga

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglut ngày 29-11 tuyên bố, thi thể của viên phi công Nga lái chiến đấu cơ bị Ankara bắn rơi - đã được trao trả cho đại diện của Moscow.

Phát biểu trong cuộc họp báo trước khi lên đường đến Brussels, Bỉ để tham dự cuộc họp với các lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU), ông Davutoglut cho biết, thi thể phi công Nga được phía Ankara tiếp nhận tại khu vực biên giới đêm 28-11.

Hồi tháng 9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp người đồng cấp Nga và đưa ra dự đoán thương mại song phương hai nước sẽ tăng gấp 3 lần, lên đến 100 tỷ USD trong vòng 8 năm tới.

Đây là dự đoán thực tế dựa vào mối quan hệ kinh tế đang lên của hai nước. Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng mua khí đốt lớn thứ 2 của Nga, chỉ sau Đức. Moscow và Ankara cũng đang bị ràng buộc vào kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt mới “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” thông qua biển Đen để vận chuyển khí đốt từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ để từ đó đến các nước Châu Âu khác. Dự án này được lên kế hoạch xây dựng hồi tháng 6 nhưng sau đó bị hoãn. Và lần này, nếu dự án này tiếp tục bị hoãn, Ankara sẽ là bên chịu thiệt hại nhiều nhất. Tuy nhiên, Moscow cũng chịu ảnh hưởng trong bối cảnh nước này cần bán nguồn khí đốt để gồng gánh lại lệnh trừng phạt của phương Tây về vấn đề Ukraine đang khiến nền kinh tế gặp khó khăn.

Trong năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng nhập khẩu lớn của Nga với tổng giao dịch đạt 25 tỷ USD. Nga cũng là điểm đến lớn nhất cho hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu là hàng dệt may, thực phẩm. Người Nga cũng là nguồn khách du lịch hái ra tiền cho người Thổ Nhĩ kỳ. Các Cty xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ cũng giành được thị phần khá lớn ở Nga.

Vì vậy, giới phân tích cho rằng, một khi lệnh trừng phạt được áp dụng, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tất nhiên đều chịu thiệt hại, nhưng chắc chắn Ankara sẽ bị giáng đòn nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Khả Anh