Báo Công An Đà Nẵng

Nga tuyên bố phá hủy 821 mục tiêu, Tổng thống Ukraine vẫn quyết “không hạ vũ khí”

Thứ bảy, 26/02/2022 21:00

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 26-2 thông báo, quân đội nước này đã phá hủy 821 mục tiêu quân sự của Ukraine, sau khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại đây hôm 24-2.

Nga tuyên bố đã phá hủy 821 mục tiêu quân sự của Ukraine. Trong ảnh: Tướng Igor Konashenkov - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga.  Ảnh: Sputnik

"Trong số các mục tiêu bị phá hủy, có 14 sân bay quân sự, 19 sở chỉ huy và trung tâm thông tin liên lạc, 24 hệ thống tên lửa phòng không S-300 và Osa, 48 đài radar. Bảy máy bay chiến đấu, 7 máy bay trực thăng và 9 máy bay không người lái bị bắn rơi", quan chức Konashenkov cho biết. Ngoài ra, ông Konashenkov bổ sung thêm, 87 xe tăng và các phương tiện bọc thép khác đã bị phá hủy, cũng như các phương tiện bọc thép, 28 hệ thống tên lửa phóng loạt và 118 đơn vị xe quân sự đặc biệt, cùng 8 xuồng quân sự của Ukraine."Vào ban đêm, lực lượng vũ trang Liên bang Nga đã sử dụng vũ khí tấn công chính xác, tên lửa hành trình từ trên không và trên biển nhằm vào cơ sở quân sự của Ukraine", ông Konashenkov nói.

Quan chức trên cho hay, Nga hiện đã giành được quyền kiểm soát toàn bộ thành phố Melitopol ở phía nam Ukraine. Từ ngày 24-2, Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm phi quân sự hóa Ukraine, nhằm bảo vệ 2 vùng ly khai Donetsk và Lugansk ở Đông Ukraine. Nga cho biết, chiến dịch của họ nhằm vào cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine và không nhằm vào dân thường. Nga cũng khẳng định rằng họ không có kế hoạch giành quyền kiểm soát Ukraine.

Quân nhân Ukraine tại hiện trường của cuộc giao tranh với lực lượng Nga ở thủ đô Kiev vào sáng 26-2.  Ảnh: AFP

Tổng thống Ukraine tuyên bố không hạ vũ khí

Trong một video mới được đăng lên Twitter vào sáng  26-2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phủ nhận mọi thông tin cho rằng Ukraine đã hạ vũ khí. Bài viết của ông có tiêu đề "Đừng tin những điều giả mạo".

"Tôi vẫn ở đây. Chúng tôi không hạ vũ khí. Chúng tôi sẽ bảo vệ đất nước của mình, bởi vì vũ khí của chúng tôi là sự thật, và sự thật đây là lãnh thổ của chúng tôi, đất nước của chúng tôi, con cái của chúng tôi, và chúng tôi sẽ bảo vệ tất cả những điều này. Đó là tất cả những gì tôi muốn nói với các bạn", Tổng thống Zelensky cho biết. Trong một bài viết khác trên Twitter vào sáng nay, Tổng thống Zelensky thông báo ông đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. "Vũ khí và thiết bị từ các đối tác của chúng tôi đang trên đường tới Ukraine. Liên minh chống chiến tranh đang hoạt động!", ông Zelensky cho biết.

Tổng thống Zelensky cũng tuyên bố thủ đô Kiev vẫn nằm dưới sự kiểm soát của người Ukraine sau khi Nga phát động cuộc tấn công nhằm vào quốc gia láng giềng cách đây 2 ngày. Trong một thông điệp được đăng trên mạng xã hội, Tổng thống Zekensky nhấn mạnh: "Chúng tôi đã trụ vững và đẩy lùi thành công cuộc tấn công của kẻ thù. Cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn”.

Tổng thống Zelensky cho biết thêm: "Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ trọn vẹn từ các nước thành viên EU để ngắt kết nối Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Tôi hy vọng rằng Đức và Hungary sẽ có đủ can đảm để ủng hộ quyết định này”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát video sáng 26-2.  Ảnh: Văn phòng Tổng thống

Mỹ viện trợ 600 triệu USD cho Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ đạo Ngoại trưởng Blinken hoàn thành các thủ tục cần thiết để có thể viện trợ 600 triệu USD cho Ukraine, trong đó có 350 triệu USD hỗ trợ mục đích quân sự.

RT đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 25-2 yêu cầu Ngoại trưởng Antony Blinken hoàn thiện các thủ tục để có thể viện trợ 600 triệu USD cho Ukraine. Cụ thể, Tổng thống Biden chỉ đạo "phải hoàn thành các yêu cầu về mặt pháp lý" để có thể gửi khoản hỗ trợ cho Ukraine, trong đó có 350 triệu USD cho hạng mục liên quan tới quân sự. Động thái của Mỹ diễn ra trong bối cảnh chiến sự giữa Nga và Ukraine đang diễn ra căng thẳng sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24-2. Mỹ hôm qua cũng đã công bố lệnh trừng phạt nhằm vào các quan chức cấp cao trong chính quyền Nga, bao gồm cả Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Biden ngày 25-2 cáo buộc Nga "đe dọa tới hòa bình và an ninh quốc tế", đồng thời tái khẳng định cam kết hỗ trợ Ukraine. "NATO đang đoàn kết và trở nên kiên quyết hơn như trước đây. NATO sẽ tiếp tục duy trì chính sách mở cửa với các quốc gia châu Âu chia sẻ chung những giá trị và có thể một ngày xin gia nhập liên minh", ông Biden cho biết.

Hội đồng châu Âu tạm đình chỉ tư cách thành viên của Nga

Hội đồng châu Âu ngày 25-2 thông báo sẽ tạm đình chỉ mọi sự tham gia của Nga tại cơ quan này liên quan chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine.

Tuyên bố của Hội đồng châu Âu nêu rõ theo điều 8 Quy chế của cơ quan này, đa số đại diện thường trực của 47 quốc gia thành viên đã "nhất trí đình chỉ quyền đóng góp đại diện của Liên bang Nga tại Hội đồng châu Âu”. Thông báo trên được Hội đồng châu Âu đưa ra sau một cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Strasbourg (Pháp). Theo tuần báo Der Spiegel (Đức), Azerbaijan đã không tham gia bỏ phiếu, trong Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu trắng, còn Nga và Armenia bỏ phiếu phản đối quyết định này. Quyết định trên sẽ có hiệu lực ngay lập tức, trong đó bao gồm cả quyền góp mặt của Nga tại Hội đồng Bộ trưởng và Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE).

Tuy nhiên, sự hiện diện của Nga tại Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) - cũng là một thực thể thuộc Hội đồng châu Âu - vẫn được bảo toàn. Theo đó, thẩm phán Nga vẫn là thành viên của ECHR và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sẽ tiếp tục được tòa án này xem xét và quyết định.

Tuyên bố của Hội đồng châu Âu nêu rõ: "Việc đình chỉ không phải là biện pháp cuối cùng mà chỉ là giải pháp tạm thời, theo đó vẫn để ngỏ các kênh đối thoại”. Điều 8 trong Quy chế của Hội đồng châu Âu cho phép cơ quan này đình chỉ quyền đại diện và sau đó có thể khai trừ một nước thành viên.

Nga là thành viên của Hội đồng châu Âu từ năm 1996. Trước đó, hồi tháng 4-2014, PACE đã phê chuẩn các nghị quyết đình chỉ quyền biểu quyết của phái đoàn Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea. Đáp lại, Nga chủ động rút khỏi PACE vào cuối năm 2015 và sau đó ngừng đóng góp tài chính cho ngân sách của Hội đồng châu Âu.

Tư cách thành viên của Nga tại cơ quan này đã được khôi phục hoàn toàn vào năm 2019, dưới vai trò trung gian hòa giải của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Nhiều người mang giỏ, vali tại trạm tàu điện ở Kiev trong ngày 24-2.  Ảnh: AFP

Hơn 50.000 người Ukraine đã chạy sang các nước láng giềng lánh nạn

Ngày 25-2, theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi, chưa đầy 2 ngày sau khi Nga tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, hơn 50.000 người đã rời khỏi Ukraine để sang các nước láng giềng.

"Hơn 50.000 người Ukraine đã rời khỏi đất nước trong vòng chưa đầy 48 giờ - phần lớn đến Ba Lan và Moldova", ông Filippo Grandi viết trên Twitter. Trước đó một ngày, UNHCR đã cảnh báo khoảng 100.000 người Ukraine cho thể sẽ phải rời bỏ nhà cửa do tình hình chiến sự. Ông Grandi cho biết "nhiều người khác đang tiến về biên giới" và gửi lời cảm ơn đến chính phủ và người dân các nước láng giềng của Ukraine "đang giữ cho biên giới của họ rộng mở và chào đón những người tị nạn".

Trong một dòng tweet riêng, UNHCR đặc biệt cảm ơn Tổng thống Moldova Maia Sandu "đã cho phép những người chạy trốn khỏi Ukraine vượt qua biên giới với Moldova một cách an toàn".

T.N