Báo Công An Đà Nẵng

Nga tuyên bố sẵn sàng trước mọi "kịch bản" của Mỹ

Thứ bảy, 10/04/2021 20:25

Trước sự gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Nga với Mỹ thời gian gần đây, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Moscow sẵn sàng cho các tình huống xấu nhất trong quan hệ với Washington.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov Ảnh: TASS

Nga sẽ trả đũa

Phát biểu tại buổi họp báo thường nhật, người phát ngôn của Tổng thống Nga Peskov nhấn mạnh, chính sách khó lường và không thân thiện của Washington đòi hỏi Nga phải sẵn sàng trước mọi kịch bản, bao gồm cả những tình huống xấu nhất, kể cả hành động trục xuất các nhân viên ngoại giao và những lệnh trừng phạt mới. Ông cho rằng, Mỹ đang hạn chế hợp tác với Nga về kinh tế và khoa học một cách giả tạo, điều này gây tổn hại cho quan hệ giữa hai nước. Theo ông, sự không thể dự đoán được vẫn duy trì trong các cuộc tiếp xúc giữa Moscow và Washington và "điều này là rất tồi tệ". Người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định: "Chúng tôi chưa bao giờ gây ra mối đe dọa cho bất kỳ ai. Tuy vậy, chúng tôi đương nhiên sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ quốc gia nào, kể cả Mỹ, đe dọa chúng tôi, áp đặt các điều kiện và xâm phạm các lợi ích của chúng tôi".

Trước đó, phát biểu họp báo sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Kazakhstan Mukhtar Tleuberdi nhân chuyến thăm nước này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tuyên bố, Moscow sẽ trả đũa nếu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới và sẽ đáp trả bất kỳ động thái đối địch nào của Washington. "Chúng tôi sẽ lưu ý bất kỳ bước đi nào không thân thiện và điều này là chắc chắn", ông Lavrov nhấn mạnh. Ông cũng chỉ trích Washington trong việc đẩy quan hệ hai nước vào ngõ cụt và nhấn mạnh rằng, những mục tiêu mà Mỹ đề ra khi áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga là không thể đạt được. Tình trạng này đã lặp đi lặp lại nhiều lần. Bộ trưởng Lavrov tuyên bố: "Những hành động này chỉ thuyết phục chúng tôi một điều rằng, chúng tôi phải dựa vào chính mình, bởi vì cả Mỹ, cả các đồng minh của họ đều không phải là những đối tác đáng tin cậy".

Tuy vậy, nhà ngoại giao hàng đầu Nga cũng cho biết, cho đến thời điểm này, chưa thấy Mỹ có bất kỳ quyết định cụ thể nào cũng như chưa tuyên bố điều gì. Dù vậy, ông cho biết, "chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hoàn tất việc rà soát "các bước thù địch" của Nga". Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh: "Bằng cách nào đó họ đã làm được điều này khá nhanh chóng, vì thông thường, khi chúng ta bị cáo buộc phạm phải rất nhiều hành vi sai trái thì việc giải quyết vấn đề này trong vài tuần hoặc thậm chí trong vài tháng là điều rất khó, song họ đã làm được. Họ có thể sẽ trừng phạt chúng tôi theo những cách khác".

Tình hình ngày càng căng thẳng

Mối quan hệ giữa Moscow và Washington trở nên tồi tệ hơn kể từ tháng trước, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra cáo buộc gay gắt nhằm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nga đã triệu hồi đại sứ nước này tại Mỹ về Moscow để tham vấn về các bước đi trong quan hệ với Washington.

Hôm 7-4, chính quyền Mỹ đã hoàn thành một bản đánh giá tình báo về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử và vụ tấn công mạng SolarWinds, đồng thời có thể sẽ sớm thông báo về các hành động đáp trả. "Các động thái kế tiếp có thể sẽ liên quan đến việc trừng phạt và trục xuất các sĩ quan tình báo Nga ở Mỹ dưới với vỏ bọc ngoại giao, các nguồn tin giấu tên cho hay", Bloomberg đưa tin.

Căng thẳng giữa hai bên hiện nay tập trung chủ yếu vào vấn đề Ukraine. Trong cuộc họp báo ngày 8-4, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho rằng, việc Nga di chuyển quân đội đến gần biên giới miền đông Ukraine đã khiến Kiev báo động và gây lo ngại tại châu Âu, Mỹ. Washington "ngày càng lo ngại về các hành động leo thang gây hấn của Nga ở miền đông Ukraine", bà Psaki nhấn mạnh. Bà Psaki khẳng định quân đội Nga đang tập trung ở biên giới giáp Ukraine đông chưa từng thấy kể từ năm 2014, năm xảy ra sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea sau một cuộc trưng cầu ý dân. Phía Mỹ coi thông tin nhận được từ Kiev về hoạt động di chuyển của quân đội Nga gần biên giới Ukraine là "hành động khiêu khích" và yêu cầu Moscow giải thích. Washington mới đây đã tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev giữ gìn "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ". Về phần mình, Moscow nhấn mạnh, việc di chuyển của quân đội Nga trên lãnh thổ của nước này không nên gây lo ngại cho các nước khác, vì Nga không gây ra mối đe dọa cho các quốc gia khác, bao gồm cả Ukraine.

Hôm 8-4, CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, Mỹ đang xem xét điều tàu chiến đến Biển Đen nhằm bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine trong bối cảnh Nga tăng cường hiện diện quân sự tại biên giới phía đông Ukraine. Quan chức này nhấn mạnh, mặc dù Hải quân Mỹ thường xuyên hoạt động tại Biển Đen nhưng việc triển khai các tàu chiến ở thời điểm hiện nay sẽ gửi thông điệp rõ ràng đến Nga rằng Washington đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Theo quan chức quốc phòng trên, Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay giám sát trên không phận quốc tế ở Biển Đen để theo dõi hoạt động của hải quân Nga và sự di chuyển của các lực lượng quân đội trên Bán đảo Crimea.

AN BÌNH