Báo Công An Đà Nẵng

Nga-Ukraine đầu năm “nói chuyện” trả đũa

Thứ bảy, 02/01/2016 09:01

(Cadn.com.vn) - Giới chuyên gia cho rằng, việc tự do hóa các khoản thuế theo thỏa thuận thương mại Ukraine-EU sẽ gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Nga.

Bắt đầu từ ngày 1-1-2016, thỏa thuận thương mại tự do của Ukraine với Liên minh Châu Âu (EU) và cả lệnh cấm vận thương mại Moscow áp đặt đối với Kiev chính thức có hiệu lực, những động thái buộc chính quyền Ukraine phải xem lại mô hình kinh tế.

Thỏa thuận này là một phần của Hiệp định Hiệp hội EU rộng lớn hơn - mà hai bên đã ký kết hồi cuối tháng 6-2014 – vốn là trung tâm gây căng thẳng quan hệ Nga-Ukraine. Moscow tức giận khi quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ này bất chấp tất cả để hướng về phương Tây.

Thỏa thuận thương mại tự do cho phép hàng hóa của EU tràn vào thị trường Ukraine. Ảnh: AFP

Khi Ukraine hướng về phương Tây

Thị trường của Ukraine, vốn hướng về phía Nga, giờ đây sẽ phải lần lượt thay đổi để thích ứng với thị trường Châu Âu và tuân theo quy luật của nó.

Bởi thực tế, thỏa thuận này cho phép hàng hóa của EU tràn vào thị trường Ukraine và phía Kiev cũng được hưởng lợi khi mở rộng thị trường sang EU. “Thỏa thuận này sẽ góp phần vào việc hiện đại hóa và đa dạng hóa nền kinh tế Ukraine cũng như tạo động lực cải cách”, Ủy ban Châu Âu cho biết trong một tuyên bố hôm 31-12-2015. Brussels cũng khẳng định, thỏa thuận này sẽ giúp Kiev cải thiện môi trường kinh doanh cũng như thu hút đầu tư nước ngoài.

Ukraine chủ yếu xuất khẩu sản phẩm nông sản, rau, trái cây, sữa và bánh kẹo cho Nga. Tuy nhiên, quan hệ thương mại song phương năm 2015 thu hẹp 70% so với năm 2011, Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Nga Alexei Likhachev cho biết. Trên thực tế, theo giới phân tích, việc tự do hóa các khoản thuế theo thỏa thuận Ukraine-EU sẽ gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Nga.

Bài toán trả đũa

Lo sợ thỏa thuận này có thể khiến thị trường tràn ngập hàng hóa Châu Âu, Nga thực hiện các biện pháp trả đũa, đình chỉ thỏa thuận tự do thương mại với Ukraine và cấm nhập khẩu thực phẩm từ quốc gia này bắt đầu từ ngày 1-1-2016.

Ngoài ra, Điện Kremlin cũng bắt đầu thủ tục kiện Ukraine không trả nợ khoản vay 3 tỷ USD. Theo đó, Moscow đề nghị Cty luật The Law Debenture Corporation bắt đầu các thủ tục tòa án cần thiết, với đơn kiện sẽ được nộp lên tòa án Anh. Đây là khoản nợ khiến Moscow-Kiev tranh cãi gay gắt. Ukraine nhận số tiền này từ Nga vào tháng 12-2013, khi ông Viktor Yanukovych còn giữ chức Tổng thống. Sau khi ông Yanukovych bị lật đổ, chính phủ mới của Ukraine tuyên bố từ chối trả 3 tỷ USD nếu Nga không chấp nhận xóa 20% khoản nợ này. Kiev khăng khăng cho rằng đây chỉ là nợ thương mại. Mặc dù Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xác nhận khoản nợ trên là nợ chính thức, nhưng Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk vẫn tuyên bố ngừng thanh toán cho Nga khoản nợ này, động thái khiến Điện Kremlin cho rằng, Ukraine đã vỡ nợ.

Tổng thống Ukraine Petro Oleksiyovych Poroshenk thừa nhận, động thái trả đũa của Nga sẽ gây ra “thiệt hại” cho nền kinh tế của Ukraine nhưng nói rằng ông “sẵn sàng trả giá” và tiếp tục nỗ lực tham gia vào một khu vực tự do thương mại EU. Trong thông điệp Năm Mới, ông Poroshenko cũng lên án lệnh cấm vận này, nói rằng Moscow đang tìm cách “siết cổ kinh tế” Ukraine. “Moscow đóng cửa thị trường hàng hóa Ukraine, một cuộc tấn công kinh tế mạnh mẽ, là một phần của cuộc chiến tranh... chống lại chúng ta”, ông Poroshenko nói trên Đài Truyền hình Quốc gia.

Kiev cũng tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ bằng “các biện pháp riêng của mình” và dự kiến sẽ công bố danh sách các sản phẩm Nga bị cấm nhập vào Ukraine trong tương lai gần.

Khả Anh